Thông điệp nhân văn từ một triển lãm tranh

Những ngày cuối tháng 3, tại sảnh tòa nhà New Skyline (khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) đã diễn cuộc triển lãm 'Gặp gỡ tháng 3' giới thiệu hơn 200 bức tranh tươi sáng, giàu cảm xúc của các thầy cô và học trò Trung tâm nghệ thuật Megan Gallery.

Điều làm người xem xúc động là triển lãm đã dành một phần không gian để giới thiệu tranh cho những học sinh mắc hội chứng tự kỷ trong lớp học nghệ thuật thiện nguyện được họa sĩ Lương Giang, Giám đốc Trung tâm sáng lập từ hơn 5 năm trước.

Trao đi yêu thương

Ngày cuối tuần, tiết trời Hà Nội bỗng dịu mát, có mưa phùn. Tại sảnh tòa nhà New Skyline đông vui, tấp nập khi có đủ các lứa tuổi từ trẻ em đến người già. Có thể hình dung một Việt Nam thu nhỏ trong triển lãm "Gặp gỡ tháng 3" khi có những bức tranh phản ánh nét đời thường quen thuộc như nét tường rêu phủ trong con ngõ vắng, một chiếc xe đạp cũ chở những đóa hoa xuân vào phố, lúc lại là hình ảnh phố xá tấp nập ngược xuôi mưu sinh, đó còn là những cánh đồng đầy hoa tím nở trên triền núi, dọc thung lũng Mường Hoa. Đó cũng còn là những nhành mai mùa xuân đua nhau khoe sắc dưới màu xanh trầm lặng của núi, của rừng, những con đường tháng 3 Tây Bắc đỏ trời hoa gạo nở…

Họa sĩ Lương Giang (thứ 2 từ phải sang) và những khán giả đến với triển lãm.

Họa sĩ Lương Giang (thứ 2 từ phải sang) và những khán giả đến với triển lãm.

Trầm ngầm bên những bức tranh, bà Nguyễn Thị Đài, mẹ của họa sĩ Lương Giang khẳng định, triển lãm ra mắt vào mùa xuân là thông điệp về sự yêu thương, tình cảm dành cho mọi người và quan sát các bức tranh có thể thấy được văn hóa Việt Nam đậm đà và đang phát triển ra sao. "Có lẽ phần "hút" khách nhất là không gian trưng bày tranh của trẻ tự kỷ. 8 trẻ tự kỷ tại Trung tâm, em góp 1, 2 bức, em góp 7, 8 bức đã mở thêm không gian nghệ thuật hết sức đặc biệt tại triển lãm lần này.

Từ một "tờ giấy trắng" sau quá trình rèn dũa, luyện tập các em đã nắm được những kiến thức cơ bản của hội họa, đã vẽ được bức tranh đẹp, được người xem chấp nhận và đặt mua. Nhìn các bức tranh có thể thấy được suy nghĩ, tâm hồn, tình cảm của các em mà không phải loại hình nghệ thuật nào các em cũng có thể bộc lộ được. Thông qua triển lãm này, với sự vào cuộc của báo chí, tôi hy vọng những gia đình có trẻ mắc chứng tự kỷ có thể biết đến và gửi con vào học tại Trung tâm", bà Đài chia sẻ.

Liệu pháp chữa bệnh hiệu quả

Hẳn những ai có mặt tại buổi khai mạc triển lãm vào sáng 25/3 đều hết sức bất ngờ với tiết mục thổi kèn Saxophone bài hát "I have a dream" đầy tự tin, chuyên nghiệp của Nguyễn Trung Hiếu (sinh năm 1999), là một trong 8 trẻ tự kỷ đang học tập tại Trung tâm. Đến với Trung tâm từ những ngày đầu, hiện Hiếu đã có được sự nhanh nhẹn, tự tin khi giao tiếp với thế giới bên ngoài.

Chị Nguyễn Thị Mai Anh, mẹ của Hiếu chia sẻ: "Hiếu đã có sự tiến bộ rất nhiều, con đã vẽ đẹp hơn, các bức vẽ có hồn và chiều sâu hơn. Các bức tranh của Hiếu trong các triển lãm trước đây và trong triển lãm "Gặp gỡ tháng 3" đã bán được với mức giá từ 1 đến 2 triệu đồng nhưng số tiền này tôi thống nhất với con là để giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tật nguyền. Cô giáo Lương Giang đã dạy học miễn phí cho con tôi và các bạn tự kỷ suốt 5 năm qua, đó là một hành động cao đẹp và tôi thấy việc mình gửi số tiền bán tranh của con vào quỹ từ thiện là sự tiếp nối những tấm lòng vàng để nhân lên những điều tử tế trong xã hội", chị Mai Anh cho biết.

Tác phẩm "Góc nhà" của Nguyễn Văn Duy.

Tác phẩm "Góc nhà" của Nguyễn Văn Duy.

Lấp lánh niềm hạnh phúc trong khuôn mặt và ánh mắt, chị Nguyễn Thị Ngát, mẹ của em Nguyễn Văn Duy (sinh năm 2008) cảm thấy vô cùng hãnh diện khi con có một số bức tranh có mặt tại triển lãm lần này, như "Đồi núi", "Tĩnh vật", "Góc hiên"… Đến với Trung tâm từ cuối năm 2019, Duy đã có nhiều sự thay đổi, hiện em đã vẽ được những bức hoạt hình, tranh phong cảnh sinh động. Đặc biệt, Duy đã nền tính, kiên trì hơn, biết nghe lời, chứ không tăng động, phá phách như xưa.

"Duy không được học văn hóa trên lớp nên lớp học vẽ chính là "ngôi nhà" thứ 2 của con. Nơi không chỉ giúp con có kiến thức hội họa mà còn giúp con có thể sẻ chia với các bạn có cùng hoàn cảnh. Nhìn vào quá trình trưởng thành của con thì thấy hội họa là phương pháp trị liệu hiệu quả giúp con và các bạn tự tin, năng động và sớm hòa nhập với cộng đồng", chị Ngát bộc bạch.

Cần sự thấu hiểu và sẻ chia

Thực ra đây không phải triển lãm đầu tiên trẻ tự kỷ tại Trung tâm có tranh được trưng bày. Để khích lệ, động viên các em, họa sĩ Lương Giang đã duy trì mỗi năm một triển lãm (trừ thời điểm đại dịch COVID-19). Tuy nhiên, lần này có khác là các em được "chung sân" với thầy cô là các họa sĩ chuyên nghiệp.

Chia sẻ về điều này, họa sĩ Lương Giang cho biết: "Chúng tôi muốn các em được học hỏi, cọ xát nhiều hơn với các họa sĩ để tiến đến sự chuyên nghiệp. Với người xem thì trong một không gian triển lãm sang trọng có tranh của các thế hệ, đặc biệt là của các em tự kỷ sẽ tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc. Điều đó cũng khẳng định Trung tâm luôn coi trọng, đánh giá cao năng lực, trình độ của các em tự kỷ", chị lý giải.

Tranh đồng quê của Nguyễn Trung Hiếu.

Tranh đồng quê của Nguyễn Trung Hiếu.

Gần đây nhất, giữa tháng 1/2021, họa sĩ Lương Giang đã tổ chức triển lãm tranh mang tên "Sắc màu - Những mảnh ghép" tại Megan Gallery, với hơn 40 bức tranh sinh động, đẹp mắt của các học trò tự kỷ và nhận được nhiều sự đồng cảm của người yêu nghệ thuật. Đến với triển lãm lần này, họa sĩ Lương Giang chia sẻ lý do: "Hơn 2 năm dịch COVID-19 khiến các hoạt động học tập và nghệ thuật đều phải tạm dừng. Triển lãm được tổ chức nhằm cổ vũ tinh thần để thầy và trò bước vào chặng đường mới. Các thầy cô sẽ nỗ lực, cố gắng tìm ra phương pháp dạy tốt hơn, còn học viên thì "chịu" thể hiện mình hơn, dám vẽ nên mơ ước của bản thân, bộc lộ đầy đủ năng khiếu. Hơn hết, những tác phẩm tại triển lãm chính là "cầu nối" giữa những học viên mắc chứng tự kỷ đối với mọi người xung quanh để thấy rằng các em cần được sẻ chia, giúp đỡ và cảm thông".

Hiện nay, Trung tâm nghệ thuật Megan Gallery có 3 cơ sở đang phát triển và tạo được uy tín của mình trong giảng dạy, đào tạo hội họa. Nhìn vào sự lớn mạnh này, họa sĩ Lương Giang không khỏi bồi hồi: "Ban đầu tôi định mở lớp dạy vẽ thiện nguyện cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hoặc khuyết tật ở Hà Nội. 3 học viên đầu tiên đến với lớp học đều là trẻ tự kỷ. Sau thời gian tiếp xúc, tôi thấy các em tiến bộ hơn vì thế tôi nghĩ mình không có lý do gì để không mở lớp học lâu dài cho các em. Dạy hội họa cho trẻ em thực sự là không dễ dàng một chút nào, đặc biệt là với trẻ mắc chứng tự kỷ. Với đối tượng học trò này, người dạy phải cực kỳ kiên nhẫn, thấu hiểu, dịu dàng và bao dung thì mới tìm ra "chìa khóa" mở được cánh cửa bước vào thế giới nội tâm của các em", họa sĩ Lương Giang chia sẻ.

Là người gắn bó với Trung tâm nhiều năm, họa sĩ Hoài Thương cho biết, tuy là trẻ tự kỷ nhưng có em nói ít, có em nói nhiều. Mỗi em một tính cách khác nhau nên cách vẽ cũng chẳng giống nhau nhưng đa phần xem tranh thì thấy được sự thoải mái, bay bổng, mộng mơ trong tâm hồn các em. Dường như các em chỉ biết vẽ và vẽ mà không hề suy nghĩ hay toan tính điều gì, tất cả đều được thả lỏng và tự do. "Dạy các em tự kỷ cũng là một thử thách nho nhỏ với chúng tôi. Tất cả phải có phương pháp khoa học, đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhẹ nhàng vì các em khá nhạy cảm", họa sĩ Hoài Thương bộc bạch.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/thong-diep-nhan-van-tu-mot-trien-lam-tranh-i688604/