Thông điệp quan trọng từ nghị trường Italy
Tháng Tư này, tôi có dịp tham gia buổi làm việc của Hạ viện Italy. Đó là phiên tìm hiểu tình hình về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với sự tham dự của Đại sứ quán Việt Nam tại Italy và đại biểu từ Học viện Ngoại giao Việt Nam.
Đây là một trong chuỗi các buổi tìm hiểu tình hình của Ủy ban đối ngoại Hạ viện Italy về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhằm định hướng chính sách của Italy với khu vực ngày càng quan trọng này thời gian tới. Trước đó, Ủy ban này đã tổ chức các buổi làm việc tương tự với các diễn giả từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia.
Tại phiên làm việc, ông Paolo Formentini, Phó Chủ tịch Ủy ban đối ngoại, đồng thời là trưởng tiểu ban Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ủy ban này cho biết, Hạ viện Italy sẽ thông qua một báo cáo về tình hình khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm góp phần vào việc định hình chiến lược của chính phủ Italy hiện hành đối với khu vực này, dự kiến sớm ban hành trong năm nay.
Việt Nam là quốc gia được Italy rất quan tâm và mời tham gia buổi tìm hiểu tình hình do được coi là điểm sáng có nhiều tiềm năng ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời là Đối tác chiến lược quan trọng của Italy ở khu vực này.
Nhiều lợi ích
Sự quan tâm ngày càng tăng của Italy đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phản ánh điều chỉnh chiến lược trong chính sách đối ngoại của Italy, nhằm tăng tính tương thích với chiến lược chung của châu Âu trong việc tham gia vào một trong những khu vực địa chính trị sôi động nhất thế giới.
Quan tâm lớn nhất của Italy đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là các lợi ích kinh tế và chiến lược. Italy là nền kinh tế dựa vào xuất khẩu. Do vậy, thúc đẩy quan hệ với khu vực chiếm tới 60% dân số và GDP toàn cầu là bước đi cần thiết để bảo đảm vị trí và lợi ích của Italy tại khu vực được coi là trọng tâm kinh tế - chính trị của thế giới. Các nghị sĩ Quốc hội Italy rất quan tâm tới việc thúc đẩy thương hiệu “Made in Italy” ở trung tâm kinh tế này. Ngoài mục tiêu kinh tế, Italy cũng có nhu cầu chiến lược được tham gia vào việc hình thành trật tự khu vực, bảo đảm các chuỗi cung ứng quan trọng, nhất là trong bối cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và xu thế phân mảnh thị trường quốc tế.
Sự nổi lên mạnh mẽ của Trung Quốc và mở rộng ảnh hưởng của nước này ở châu Âu cả về kinh tế và chính trị đã khiến nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm Italy, phải xem xét lại chiến lược của họ với siêu cường này. Mặc dù Italy là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, dư luận Italy ngày càng nhận thức được nhu cầu cân bằng giữa hợp tác kinh tế và bảo vệ an ninh quốc gia cũng như thúc đẩy một trật tự khu vực đa cực. Do đó, sự gia tăng quan tâm của Italy với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một phần của việc điều chỉnh lại chính sách của Italy với châu Âu đối với Trung Quốc, nhằm bảo đảm “cân bằng” trong quan hệ đối ngoại của mình.
Năm 2021, Italy đã tuyên bố ủng hộ Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Liên minh châu Âu (EU), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy một trật tự khu vực mở và bao trùm, bảo đảm tự do hàng hải và tăng cường hợp tác đa phương. Trong tuyên bố của mình, Italy làm nổi bật ý định mở rộng sự hiện diện tại khu vực thông qua ngoại giao, hợp tác quốc phòng và quan hệ kinh tế.
Chính phủ Italy là một trong các quốc gia EU tích cực thúc đẩy ngoại giao quốc phòng bằng cách cử lực lượng hải quân biển xanh thăm viếng và hợp tác với nhiều nước trong khu vực. Cách tiếp cận này phản ánh mục đích tăng cường sự gắn kết giữa chính sách đối ngoại của Italy với Chiến lược tăng cường hợp tác và hiện diện chung của Liên minh châu Âu ở khu vực.
Tầm quan trọng của các đối tác ASEAN và Việt Nam
ASEAN đóng vai trò then chốt trong tầm nhìn hướng về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Italy. Vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề địa chính trị khu vực làm cho tổ chức này trở thành đối tác thiết yếu đối với Italy. ASEAN quan trọng vì hai lý do: Thứ nhất, ASEAN là cửa ngõ để Italy tiếp cận các quốc gia khác trong khu vực. Thứ hai, ASEAN là khuôn khổ đa phương mà qua đó Italy có thể thúc đẩy các lợi ích chiến lược của mình.
Việt Nam được Italy nhìn nhận là quốc gia “cửa ngõ” ở khu vực, một đối tác chiến lược quan trọng của Italy ở châu Á. Quan hệ kinh tế và thương mại mạnh mẽ giữa hai quốc gia là nền tảng cho sự phát triển chung. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Italy đạt khoảng 6 tỷ USD. Italy là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối Liên minh châu Âu (EU), với Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng như dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, và nhập khẩu từ Italy các sản phẩm máy móc, thiết bị, phụ tùng, và thực phẩm.
Về đầu tư, Italy cũng là một trong những nước châu Âu có lượng đầu tư đáng kể tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2023, Italy đã đầu tư vào khoảng 140 dự án FDI tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 450 triệu USD.
Hơn nữa, Italy và Việt Nam còn chia sẻ lợi ích trong việc thúc đẩy hợp tác đa phương và ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế. Quan hệ này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn củng cố an ninh và ổn định khu vực.
Sự quan tâm ngày càng tăng của Italy đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là phản ứng đối với các thay đổi kinh tế và chiến lược toàn cầu nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực này. Thông qua việc tăng cường hướng tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Italy mong muốn đóng góp cho duy trì một trật tự đa cực, đa trung tâm và cân bằng ở khu vực, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững.
Quan hệ đối tác Italy-Việt Nam sẽ là cấu phần quan trọng để Italy triển khai thành công chính sách với khu vực nhằm thúc đẩy lợi ích của mình và đóng góp cho sự phát triển ổn định của khu vực.
Đó cũng là thông điệp chính mà các đại biểu và nghị sĩ tham gia buổi tìm hiểu tình hình ngày 10/4 tại Hạ viện Italy đều cảm nhận rất rõ.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thong-diep-quan-trong-tu-nghi-truong-italy-269162.html