Thông điệp thẳng thừng của Tổng thống Nga Putin dành cho Đức: Hãy quên Ukraine đi!

Trong bài viết trên trang LB.ua, ngày 2/7, tác giả Alexander Demchenko* nhận định, bài báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin trên tờ Die Zeit nhằm kêu gọi người Đức quên đi vấn đề Ukraine và tham gia các chính sách có lợi cho hai nước.

Bài báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhân kỷ niệm 80 năm ngày phát xít Đức phát động tấn công Liên Xô trên tờ Die Zeit.

Bài báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhân kỷ niệm 80 năm ngày phát xít Đức phát động tấn công Liên Xô trên tờ Die Zeit.

Theo Alexander Demchenko, bài viết của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhân kỷ niệm 80 năm ngày phát xít Đức phát động tấn công Liên Xô có thể được đọc và hiểu ở nhiều cấp độ. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, thông điệp mà ông chủ Điện Kremlin muốn gửi gắm là hướng về tương lai.

Cởi mở bất chấp quá khứ

Bản thân tiêu đề bài báo đã đủ hấp dẫn: “Cởi mở bất chấp quá khứ”.

Thật vậy, được đăng trên tờ Die Zeit, ngày 22/6, bài viết của ông không đề cập chiến tranh hoặc những năm sau chiến tranh mà như một lời kêu gọi người Đức quên đi vấn đề Ukraine và tham gia càng sớm càng tốt vào các chính sách thực sự có lợi, chẳng hạn như việc ra mắt dự án Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream).

Qua bài báo, Tổng thống Putin dường như đang cố gắng thuyết phục người Đức có tư tưởng cởi mở, quên đi quá khứ, nhưng quá khứ mà ông muốn nhắm đến ở đây không phải là chủ nghĩa quốc xã. Nhà lãnh đạo Nga hiểu rằng người Đức vẫn bị ràng buộc bởi thứ chính trị của ký ức, và không cho phép mình thay đổi lịch sử sớm hơn.

Ở đây, điều mà ông Putin muốn người dân Đức quên đi là một quá khứ khác, không xa và cũng không mấy dễ chịu, đó là cuộc chiến ở Ukraine và việc chiếm đóng các vùng lãnh thổ của nước này.

Trong bài viết của mình, Tổng thống Nga một lần nữa nhắc lại chính biến ở Kiev năm 2014, đồng thời nhận định việc Ukraine ly khai khỏi Nga là một thảm kịch.

Bên cạnh đó, ông Putin nhấn mạnh rằng không có sự chiếm đóng Crimea mà chỉ có sự chia rẽ ở Ukraine, chính điều đó đã dẫn đến sự chia cắt của bán đảo. Tổng thống Nga cũng khẳng định lại những thông điệp mà Điện Kremlin muốn chuyển tải vào "không gian thông tin" của châu Âu trong suốt gần 8 năm qua.

Nhắm vào giới lãnh đạo Đức

Tuy nhiên, bài báo này của Tổng thống Putin không chỉ nhắm vào quần chúng Đức và Nga, mà đặc biệt hơn là vào giới lãnh đạo Đức.

Nhà lãnh đạo Nga dường như đang gửi cho họ một thông điệp khác: Một lời đề nghị đầy lợi ích cho người Đức hôm nay để đổi lấy việc quên đi Ukraine trong tương lai.

“Nga có thể đi đầu cho việc khôi phục quan hệ đối tác toàn diện với châu Âu. Chúng ta có nhiều chủ đề cùng quan tâm, bao gồm an ninh và ổn định chiến lược, y tế và giáo dục, số hóa, năng lượng, văn hóa, khoa học và công nghệ, giải quyết các vấn đề về khí hậu và môi trường", ông Putin viết.

Giới quan sát cho rằng bài báo là một lời ca ngợi giới tinh hoa cầm quyền của Đức, và đặc biệt là đối với đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng có thể đưa một điều khoản vào thỏa thuận liên minh của chính phủ Đức nhằm cam kết hoàn thành đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc.

Cũng có thể nhận thấy rằng Tổng thống Nga đang cố gắng gây ảnh hưởng đến bộ phận cử tri bảo thủ của Đức, vốn ủng hộ giới tinh hoa cầm quyền. Rõ ràng, ông Putin hiểu rằng các dự án kinh tế của Nga ở châu Âu chỉ có thể thành công nếu cục diện chính trị hiện tại ở Đức vẫn giữ nguyên.

Theo ông Putin, chính các doanh nhân Đức đã đi tiên phong trong hợp tác với Moscow trong những năm sau chiến tranh. Năm 1970, Liên Xô và Đức đã đạt được thỏa thuận thế kỷ về cung cấp lâu dài khí đốt tự nhiên cho châu Âu, đặt nền tảng cho sự phụ thuộc lẫn nhau mang tính xây dựng và tăng cường nhiều dự án lớn tiếp theo, bao gồm dự án Dòng chảy phương Bắc.

Bài báo này của Tổng thống Putin không chỉ nhắm vào quần chúng Đức và Nga, mà đặc biệt hơn là vào giới lãnh đạo Đức. (Nguồn: AP)

Bài báo này của Tổng thống Putin không chỉ nhắm vào quần chúng Đức và Nga, mà đặc biệt hơn là vào giới lãnh đạo Đức. (Nguồn: AP)

Lời kêu gọi hợp tác

Một phần lớn trong bài báo này được ông Putin đặc biệt dành cho quan hệ Nga-EU. Đó dường như là một cách đối đầu với Mỹ, thông qua việc Tổng thống Nga ủng hộ xây dựng an ninh mà không có Washington, giải phóng sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang phía Đông, cũng như hội nhập và hợp tác hơn nữa ở châu Âu.

Nhìn chung, bài báo của Tổng thống Nga Putin là một yêu cầu đối với giới lãnh đạo Đức nhằm bảo đảm rằng Kiev sẽ không thể tiến tới vấn đề tái thiết lập hoặc gia nhập NATO.

Trong bài viết, ông Putin còn cảnh báo về một hệ thống an ninh đang xuống cấp, căng thẳng quá mức và đề cập những nguy cơ của một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Kêu gọi sự thống nhất hợp tác, ông Putin viện dẫn lại chính sách Ostpolitik của cựu Thủ tướng Đức Willy Brandt vào những năm 1970 để bình thường hóa quan hệ giữa Tây Đức với Đông Đức, Liên Xô và Ba Lan. Chính sách này cũng dẫn tới việc hình thành không gian năng lượng duy nhất của châu Âu khi các hệ thống vận chuyển dầu và khí đốt được xây dựng nối phần phía Tây của lục địa này với các nguồn năng lượng của Liên Xô.

“Chúng ta đang bỏ lỡ những cơ hội to lớn mà sự hợp tác mang lại. Điều quan trọng hơn là tất cả chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức chung, bao gồm đại dịch và những hậu quả kinh tế xã hội nghiêm trọng của nó", ông Putin viết.

Cựu Phó Thủ tướng Nga Vladislav Surkov từng nói, mục tiêu chính của Nga là khiến Ukraine trở nên nhàm chán đối với phương Tây. Và bài báo của ông Putin đã chỉ ra rằng mục tiêu chính của Nga là làm cho EU thực sự quên đi Ukraine.

Trên thực tế, không thể nói rằng phương Tây đã quên Ukraine. EU ngày nay, mặc dù có quan hệ kinh tế với Moscow, nhưng ở một mức độ nhất định vì sợ bị phụ thuộc.

EU được hưởng lợi từ việc bảo vệ Ukraine vì lợi ích an ninh của nước này. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Nga sẽ ngừng nỗ lực loại bỏ vấn đề Ukraine ra khỏi chương trình nghị sự của châu Âu.

* Alexander Demchenko, biên tập viên mục Thế giới trang LB.ua - một trong những trang tin lớn của Ukraine.

(theo World Crunch)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thong-diep-thang-thung-cua-tong-thong-nga-putin-danh-cho-duc-hay-quen-ukraine-di-150478.html