Thông điệp về tình yêu và lòng biết ơn từ cuốn sách 'Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng'
'Tâm hồn con người ta cũng cần vitamin, và sách – nhất là sách viết về động vật – là loại vitamin tuyệt vời nhất. Vì nếu con người ta biết yêu thương một con chó thì hiển nhiên người ta sẽ biết yêu thương con người; xã hội nhờ vậy sẽ bớt đi những chuyện đau lòng'. Đó là một trong những duyên cớ tốt lành để nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gửi tới bạn đọc câu chuyện đáng yêu, dí dỏm về 5 chú chó nhỏ dễ thương với tên gọi 'Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng' (NXB Trẻ).
Với nhiều đầu sách thiếu nhi đã xuất bản, tiêu biểu như: “Kính Vạn Hoa”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Bàn có năm chỗ ngồi”, “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Mắt biếc”…, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từ lâu được xem như người bạn gần gũi, thân thiết của nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam. Thế giới văn chương ấy không thể thiếu vắng bóng dáng của những loài động vật nhỏ đáng yêu – một trong những mảnh ghép sinh động làm nên kỷ niệm tuổi thơ trong trẻo, ngọt lành. “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” là câu chuyện thú vị, đáng yêu như thế!
“Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” là một câu chuyện thú vị ngay từ lúc bắt đầu. Từ những trang viết đầu tiên của cuốn sách, Nguyễn Nhật Ánh đã tự nhận mình “chỉ làm một việc đơn giản là ghi lại”, con chó Batô (nhân vật trong cuốn sách) mới là người trực tiếp kể chuyện. Cuốn sách hơn 250 trang, chia thành 4 chương – cho đám bạn gồm 5 chú chó với tên gọi: Suku, Haili, Êmê, Pig, Batô và 1 phần ngoại truyện. Cả thế giới tuổi thơ ùa về…
Con Batô bắt đầu kể câu chuyện về thằng Cún – Suku tai dài, lông màu trắng, óng ánh và xoăn từng cụm, phủ dày từ chỏm đầu đến tận các ngón chân – trông chẳng khác nào một con cừu con. Nó có gương mặt đẹp, đôi mắt tròn, đen lay láy dễ khiến người ta có cảm giác cưng chiều. Nhưng vì khẩu vị có thể dung nạp mọi thứ thức ăn, lại lười hoạt động nên nó bắt đầu có hiện tượng béo phì. Suku là giống chó tình cảm, xa chủ là không thể ăn, ngủ ngon lành như những giống chó khác. “Nỗi nhớ con người”, đó là điểm đặc biệt, thu hút của Suku nhưng cũng khiến cho gia chủ nhiều nỗi phiền toái.
Tuy nhiên, vì sự cưng nựng, chiều chuộng quá mức của chị chủ Ni và gia đình đã hình thành trong con Suku nhiều tính xấu: nghịch ngợm vô lối, hay tè bậy, thích cắn người khác bất kể thân sơ, tốt hay xấu. Ngay cả những người thân thiết, đối xử với nó rất tốt cũng bị con Suku đáp trả bằng những trò vô lối ấy. “Đại khái thằng Suku giống hệt một quả mìn điên, chẳng biết nổ lúc nào và nổ vào ai”, có lẽ con Batô đã căng tràn sự bực dọc xen chút bất lực khi thốt lên nhận định ấy.
Nhưng Batô cũng rất công bằng, khách quan khi nhìn nhận sự thay đổi trong tích cách theo chiều hướng tiêu cực của con Suku. Nó từng là con chó ngoan ngoãn, nghe lời. Nó thay đổi sau một lần nó bị nhốt vào buồng tắm khi cả nhà đi vắng: “Đối với một con cún, bị nhốt trong phòng tắm 2 tiếng đồng hồ là một điều gì kinh khủng, càng kinh khủng hơn khi con cún đó có tên là Suku”. Trong những trạng thái kinh khủng ấy, nếu Suku không cắn xé khắp nơi thì chính nó sẽ tự làm tổn thương mình, như tự húc đầu vào cửa đến khi tươm máu chẳng hạn… Cảm giác cô độc và hoang mang thật đáng sợ, ngay cả khi nó xảy ra với một con chó nhỏ.
“Haili, Êmê và cuộc chiến quyền lực” qua giọng kể của con Batô thực có sức hấp dẫn lạ kì. Êmê là con chó hào hiệp, ra dáng đàn chị và có nguyên tắc sống: “Nó không muốn cai trị ai và cũng không muốn ai cai trị mình”. Nó đứng lên chống trả con Suku không phải bởi lòng đam mê quyền lực mà đơn thuần là vì nó muốn bảo vệ nguyên tắc sống của mình hơn việc bảo vệ tính mạng của nó.
Trong khi đó Haili là con chó cực khỏe, cực nhanh, cực khéo, có kỹ năng chiến đấu. Nó có dáng dấp của kẻ phớt đời, tức là kẻ không xem việc gì ở đời là quan trọng, ngay chính cuộc đời cũng không quan trọng nốt. Con Haili lao vào cuộc chiến quyền lực này bởi nó muốn bảo vệ vị trí của mình.
Cuộc đụng độ giữa con Haili và Êmê là cuộc đụng độ giữa chúa trùm và kẻ khiêu khích. Trong thế giới loài vật, dù bậc cao hay bậc thấp, cũng có những cuộc chiến mang màu sắc chính trị, thậm chí là triết học: tồn tại hay không tồn tại. Thế giới loài chó cũng không nằm ngoài những điều đó.
Pig là con chó thon thả có lông màu hung. Pig có bản tính hiền lành, thậm chí rụt rè, nó sợ hãi tất cả những con chó khác. Đó không phải bản chất của nó. Pig có nhiều tiềm năng hơn thế nhưng chính “những chấn động tâm lí của một tuổi thơ bị hiếp đáp khiến nó hoàn toàn đánh mất ý thức về bản thân”. Nhưng Pig cũng là đứa biết hưởng thụ nhất. Nó không bị bản tính bện hơi người làm cho khổ sở như Suku, không lao vào tranh giành cuộc chiến quyền lực như con Haili, Êmê… Nó là con chó có tâm hồn, “ngắm phố là cách hưởng thụ cuộc sống”. Cuộc sống của nó vì thế mà yên bình: “Buổi tối, nó là đứa đầu tiên chui vào nệm ngủ và buổi sáng nó là đứa cuối cùng rời khỏi nệm – khi lá trên đầu tường nhà hàng xóm đã rụng đầy sân nhà chị Ni”.
Và cuối cùng là con Batô, được sinh ra từ một mẹ nhưng so với tụi nó, Batô xấu xí, vụng về hơn nhiều với thân hình tròn lẳn, ục ịch, hàm răng trồi sụt không đều, cách vài ngày chân lại đi cà nhắc. Cũng chính bởi những “thiệt thòi” ấy, cuộc sống thu mình lại khiến cho Batô có đủ khoảng cách, khoảng lặng để quan sát nhiều hơn, ngẫm nghĩ nhiều hơn về mọi điều.
Thế giới của 5 chú chó nhỏ, xoay quanh không gian ngôi nhà của chị Ni và gia đình, cũng đủ đầy cung bậc cảm xúc: ái - ố - hỉ - nộ. Nhưng sau tất cả, những chú chó vẫn luôn được định nghĩa và định giá bằng lòng trung thành. Đó là phẩm chất không loài nào có được… Trong từ điển của loài chó không có từ “phản bội”. Khi con Pig bị ốm, cả 4 con còn lại đều cảm thấy nỗi buồn vô hạn đang “tan chảy ra và len lỏi vào mọi khe hở trong tâm hồn”, “khiến bạn không làm gì vẫn thấy kiệt sức từng giờ từng phút từng giây”. Hình ảnh chú chó Haili ngậm giỏ hoa hồng mang đến bên ba của chị Ni chính là lời cảm ơn chân thành, biết ơn sâu sắc “về cuộc sống tươi đẹp mà con người đã mang lại cho chúng tôi một cách hào phóng và tràn đầy yêu thương”. Nhưng tôi nghĩ, giỏ hoa hồng ấy còn mang thông điệp, ý nghĩa khác. Thế giới loài vật gần gũi, đáng yêu, đáng mến nhắc nhở mỗi người biết yêu thương, có ý thức, trách nhiệm bảo vệ các loài động vật và thế giới xung quanh mình…