Thông điệp Việt Nam chủ động, tự cường
Đây là thời điểm Việt Nam phải tái định vị vai trò của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đây là thời điểm Việt Nam phải tái định vị vai trò của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump diễn ra chỉ hai ngày sau khi phía Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng 46% với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam (ngày 2/4). Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh nguyên tắc hợp tác trên cơ sở hài hòa lợi ích, hướng tới thương mại công bằng và bền vững.
Những tuyên bố “đưa thuế về 0%”, “đàm phán ngay để đạt thỏa thuận song phương” không là lời nói xã giao - đó là hành động mang tính chiến lược, phản ánh sự chủ động và thực chất trong đường hướng đối ngoại hiện nay. Thông báo của Tổng thống Hoa Kỳ viết trên mạng xã hội Truth Social sau cuộc điện đàm cũng được đánh giá là khá tích cực.
Sau đó, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 6/4, Thủ tướng Anwar Ibrahim chia sẻ, Malaysia và nhiều nước trong khu vực hoan nghênh cuộc điện đàm, bày tỏ nhất trí và ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam trong vấn đề này.
Cùng ngày, tại cuộc gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E.Knapper đặc biệt đánh giá cao cuộc điện đàm đầu tiên của Tổng thống Donald Trump với một nhà lãnh đạo nước ngoài sau khi công bố áp thuế, thể hiện sự trân trọng và quan tâm của hai nhà lãnh đạo đối với quan hệ hai nước.
Đúng với phương châm “nói đi đôi với làm”, liền sau đó là một loạt phản ứng khẩn trương từ phía Chính phủ, các cấp, các ngành cho đến khối doanh nghiệp, hiệp hội... Chưa đầy 24 giờ sau động thái từ phía Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã triệu tập cuộc họp Thường trực Chính phủ. Tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng được lập tức thành lập. Ngày 5/4, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lên đường sang Hoa Kỳ với tư cách Đặc phái viên của Tổng Bí thư. Liên tiếp sau đó là các cuộc họp chuyên đề, hội nghị trực tuyến, chỉ đạo từ Chính phủ tới từng bộ ngành, cơ quan đại diện ở nước ngoài nhằm tìm kiếm các giải pháp cụ thể.
Phản ứng nhanh nhạy và nhất quán từ lãnh đạo Đảng cũng như lãnh đạo Chính phủ, nếu nhìn lại, sẽ thấy toát lên từ các định hướng lớn trước đó: Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh khoa học và đổi mới sáng tạo là trụ cột của phát triển kinh tế; đề cao vai trò khu vực tư nhân. Sự ra đời của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và chỉ sau ba tuần, Nghị quyết 03 của Chính phủ được triển khai, là minh chứng cho tốc độ hành động.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong “bộ tứ chiến lược” theo nghị quyết, chủ trương của Đảng: Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; phát triển khu vực kinh tế tư nhân; hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Một định hướng chiến lược từ Bộ Chính trị cùng kế hoạch hành động từ Chính phủ được triển khai nhanh chóng, liền mạch. Những bất ổn vừa qua cho thấy rõ tính mong manh của mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư nước ngoài. Đây là thời điểm Việt Nam phải tái định vị vai trò của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Con đường phía trước không dễ dàng, nhưng cần thiết nếu Việt Nam muốn trở thành một nền kinh tế có vị thế thực sự, có năng lực cạnh tranh bền vững và có tiếng nói trong một thế giới đang được viết lại từng ngày.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thong-diep-viet-nam-chu-dong-tu-cuong-310619.html