Thông điệp với tuổi trẻ
'Nhạt Đảng, khô Đoàn' trong một bộ phận thanh niên là cụm từ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập khi phát biểu tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, tổ chức 5 năm trước. Và, tại Đại hội lần thứ XII này (12/2022), Tổng Bí thư ghi nhận những chuyển biến trong khắc phục các tồn tại, hạn chế đã nêu ở kỳ trước…
Phát biểu với Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đã có sự chuyển biến tốt trong việc khắc phục một số tồn tại, hạn chế được nêu trong văn kiện Đại hội XI. "Tôi nhớ, ở Đại hội lần trước, tôi có lưu ý đề nghị các đồng chí quan tâm khắc phục tình trạng "nhạt Đảng, khô Đoàn", "xa rời chính trị" trong một bộ phận thanh niên. Qua nghiên cứu Báo cáo chính trị của các đồng chí, cùng với việc được nghe các ý kiến phát biểu thảo luận tại Đại hội, tôi thấy Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đặc biệt là trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi dưỡng đạo đức, lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ, qua đó, tính tích cực chính trị, niềm tin của thanh niên đối với Đảng, với tổ chức Đoàn, với công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đang được củng cố. Thanh niên thực sự đã và đang phát huy được thế mạnh của sức trẻ, tinh thần xung kích, sáng tạo, tình nguyện của mình ở những nơi khó khăn, gian khổ, những việc mới, việc khó, góp sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" - Tổng Bí thư ghi nhận.
Cùng việc biểu dương kết quả đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: Vẫn còn một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng; có biểu hiện xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Dù chỉ là một bộ phận nhỏ, nhưng những biểu hiện đó rất cần được quan tâm để khắc phục, nếu không, nó sẽ là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" với rất nhiều hệ lụy cho thế hệ tương lai.
Trước những lưu ý của Tổng Bí thư về vấn đề "nhạt Đảng, khô Đoàn", gần đây trên các diễn đàn thanh niên, phát triển đảng viên, nhiều câu hỏi mở đã được đặt ra. Những chủ đề được đề cập để đoàn viên, thanh niên thảo luận như: Động cơ vào Đảng thực chất của mỗi người là gì? So sánh góc nhìn về động cơ vào Đảng đối với đoàn viên, thanh niên trước đây với hiện nay? Về lý tưởng của đoàn viên, thanh niên, sự khát khao cống hiến? Vì sao còn hiện tượng "nhạt Đảng, khô Đoàn", giải pháp khắc phục như thế nào?...
Nhà văn Ma Văn Kháng có kể về chuyện vào Đảng của nhà thơ Chế Lan Viên. Theo ông, hơn 70 năm qua, bài thơ "Kết nạp Đảng trên quê mẹ" của Chế Lan Viên vẫn được ghi nhận là một trong những bài thơ hay, xúc động nhất viết về Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bài thơ, Chế Lan Viên viết:
Tôi đứng dưới cờ, đưa tay tuyên thệ
Trên đất quê hương mang hình bóng mẹ
Ngỡ chừng như vừa sinh lại lần đầu
Đảng trở thành nơi cắt rốn chôn rau...
Chuyện Chế Lan Viên vào Đảng là sự kiện được mọi người hồi đó truyền tụng. Hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, có lần được cán bộ của Đảng gợi ý việc vào Đảng, Chế Lan Viên thoái thác. Đến năm 1949, tại Quảng Trị, quê hương nhà thơ, đang trong những ngày chiến tranh ác liệt, ông lại chủ động tình nguyện xin gia nhập Đảng. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị gặp Chế Lan Viên nhắc lại chuyện trước kia và hỏi tại sao trước thì không, nay lại xin vào Đảng, Chế Lan Viên đáp: "Vì hồi ấy tôi thấy mình chưa xứng đáng". Bí thư Tỉnh ủy hỏi tiếp: "Thế còn bây giờ?". Chế Lan Viên ngần ngừ, xúc động. Rồi bất chợt, vì hiểu ra, ông Bí thư Tỉnh ủy ôm choàng lấy nhà thơ... Thì ra, những ngày qua, nhà thơ đi cùng bộ đội đánh đồn Tà Cơn. Đêm trước ngày xuất trận, chi bộ đại đội chủ công họp. Vấn đề được đặt ra: Cần hai đồng chí ôm bộc phá mở đột phá khẩu, ai lãnh nhiệm vụ này coi như hy sinh. Chế Lan Viên chứng kiến cảnh cả chi bộ đều giơ tay. Cuối cùng, hai chiến sĩ được chọn và sau chiến thắng, họ đã không trở về... "Tôi hiểu, tôi hiểu anh rồi, nhà thơ à!” - Bí thư Tỉnh ủy cảm động nói. Chế Lan Viên rưng rưng: "Sự hy sinh của hai chiến sĩ nhẹ tựa như lông hồng, còn tôi lòng nặng trĩu niềm biết ơn và cảm phục. Tôi muốn được thế vào chỗ một đồng chí đã hy sinh!".
Năm 1955, khi mới 19 tuổi, là đoàn viên Thanh niên Cứu quốc, nhà văn Ma Văn Kháng cùng mấy bạn được phân công lên công tác tại Lào Cai. Ông kể, thời đó, các đoàn viên thanh niên coi việc cống hiến cho lý tưởng cộng sản là lẽ sống của đời mình, gia nhập Đảng là nguyện vọng tha thiết của bất cứ ai, nhất là đoàn viên Thanh niên Cứu quốc, được mệnh danh là đội hậu bị của Đảng. Lào Cai ngày đó mới hòa bình lập lại, cơ quan Tỉnh đoàn chưa có. Mấy anh em đoàn viên từ các nơi đến Lào Cai lập nghiệp tự động họp lại thành chi đoàn, rồi liên hệ với Khu đoàn Việt Bắc đóng ở Thái Nguyên để xin được công nhận. Dò dẫm mất nửa năm trời, chi đoàn của ông mới tìm gặp được chi bộ. Được chi bộ biết đến rồi phấn đấu để trở thành đảng viên của Đảng là cả một quá trình thử thách, gian nan với mỗi đoàn viên thanh niên. "Riêng tôi, sau 2 năm ra sức phấn đấu công tác và rèn luyện, tôi đã được công nhận là cảm tình Đảng. Và, phải thật sự rất cố gắng, đến tháng 11/1959 tôi mới được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Vào Đảng để thăng quan tiến chức ư? Thời đó không mảy may có quan niệm này. Tất cả, từ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đến đảng viên thường, chỉ cùng một chức danh: Cán bộ. Cán bộ ở vị trí cao, có trách nhiệm quan trọng được Đảng giao thì vất vả, khó nhọc, hy sinh nhiều hơn chứ không phải để hưởng thụ nhiều hơn. Vào Đảng là chấp nhận khó nhọc, hy sinh hơn và niềm hạnh phúc lớn lao được hưởng nếu có hơn người cũng là ở đó. Không có khái niệm quyền lực cá nhân và được giao cho vị trí trách nhiệm cao là làm quan. Quyền lợi đi liền với trách nhiệm" - ông nhớ lại những năm tháng thiêng liêng.
Nhắc lại hồi ức của những thế hệ cha anh năm xưa để thấy rõ sự cống hiến tuổi thanh xuân ngày đó với mục đích, khát vọng cao cả vì đất nước, vì Tổ quốc. Lý tưởng sống của thanh niên không tách rời cái đích cuối cùng "lý tưởng xã hội chủ nghĩa", "lý tưởng cộng sản chủ nghĩa". Ngày nay, trong lớp học, giảng đường, ngoài những tiết học chính trị, dường như thanh niên, sinh viên ít nói đến những cụm từ trên?
Quãng chừng năm 2005-2006, khi vào hiệu sách, tôi thấy ngay bên quầy thu ngân là hai chồng nhật ký thời chiến Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc được sắp đặt dày dặn, bắt mắt. Hai cuốn nhật ký gây sốt thị trường xuất bản, tái bản nhiều lần, trở thành đề tài được tìm kiếm, bàn luận sôi nổi không chỉ trong giới trẻ. Trong các cuốn nhật ký đó, toát lên khát vọng và sự cống hiến, sự hi sinh của tuổi trẻ, khi mà đất nước cần những bước chân dũng cảm tiến lên. Nhiều bài viết so sánh lý tưởng, lối sống của thanh niên thời chiến, những đại diện như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc với lối sống, hoài bão của thanh niên ngày nay. Cứ nghĩ rằng, nói "lý tưởng sống" với thanh niên hôm nay liệu có gì đó giáo điều quá, khô và sáo nhưng chỉ một hiện thực các bạn trẻ tìm đến với hai cuốn nhật ký, để tìm hiểu, để thả mình vào dòng ký ức một thời hào hùng thanh niên ra trận cho thấy, mạch sống này không hề lạc điệu trong bối cảnh mới. Ngay trang đầu cuốn nhật ký của mình, bác sĩ Đặng Thùy Trâm ghi câu danh ngôn của văn hào N.A.Ostrotsky về lý tưởng sống: "Đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí, để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người"... Câu châm ngôn ấy là "khuôn vàng thước ngọc" nằm trong biết bao cuốn nhật ký của thanh niên ngày ấy, nằm trong suy nghĩ, tư tưởng của bao thế hệ cầm súng ra trận.
Ngày nay, thanh niên ít viết nhật ký sổ tay, cũng không còn những lá thư nhắn nhủ về lý tưởng sống, cách mạng gửi về gia đình, người thân. Thanh niên trở nên bận rộn hơn với vòng quay công việc, lao động, học tập, nhanh nhạy hơn với sức mạnh của công nghệ thông tin toàn cầu và cũng năng động hơn với xu thế hội nhập. Thanh niên bị cuốn hút vào vòng xoáy của tiền - tài - danh vọng, của bao thứ cám dỗ đời thường. Thanh niên không ôm sách, đỏ đèn giữa đêm khuya để đọc "Thép đã ra tôi thế đấy", "Đất nước đứng lên", "Đất rừng phương Nam", "Những người khốn khổ"... Xã hội biến chuyển, sự thay đổi muôn trạng đó cũng theo quy luật. Thật khó để cưỡng lại những lối sống của một bộ phận bạn trẻ đang có xu hướng thị trường, thực dụng hóa, lãng phí tuổi thanh xuân bằng sự hưởng thụ bốc đồng...
Nhưng, cũng rất nhiều thanh niên lường trước vận hội, đường xa phải tu trí lực, tìm tòi và bắt đầu những bước khởi nghiệp trên chính đôi chân của mình. Câu nói "lao động là vinh quang" không bao giờ lỗi thời. Những hành động của tuổi trẻ dù lớn, dù nhỏ, dù ở đô thị hay nơi xa xôi hẻo lánh, nếu thực hiện bằng ý nghĩ, lòng thành của mình, điều đó luôn được tôn trọng và cổ vũ, nhân rộng. Và, ở góc độ động cơ vào Đảng, rõ ràng sự dấn thân đặt trong mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể, lợi ích riêng với lợi ích xã hội là mối quan hệ chặt chẽ. Động cơ tích cực, đúng đắn vẫn là bao trùm, dù vẫn còn đó những góc khuất, ở những khía cạnh đáng suy ngẫm...
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/thong-diep-voi-tuoi-tre-i678882/