Thống đốc Fed: USD vẫn là đồng tiền dự trữ của thế giới
Thống đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Christopher Waller ngày 15/2 cho rằng thế giới sẽ tiếp tục phụ thuộc vào đồng USD và đồng tiền này vẫn đóng vai trò chủ chốt trong thương mại quốc tế.
Thống đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Christopher Waller ngày 15/2 cho rằng thế giới sẽ tiếp tục phụ thuộc vào đồng USD và đồng tiền này vẫn đóng vai trò chủ chốt trong thương mại quốc tế, một lợi thế chính của nền kinh tế Mỹ trên toàn cầu.
Theo ông Waller, những cảnh báo gần đây về khả năng vị thế của đồng USD giảm sút đã gây lo ngại liên quan đến sự nổi lên của các tài sản kỹ thuật số hay những nỗ lực của Trung Quốc trong việc tăng cường sự hiện diện của đồng nhân dân tệ.
Tuy nhiên, ông Waller cho rằng không một lo ngại nào đưa đến sự giám sút đáng kể vị thế quá lớn của đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu. Do đó, việc gia tăng sử dụng các tài sản kỹ thuật số như các đồng tiền ổn định được gắn chặt với đồng USD có xu hướng làm tăng vị thế quốc tế của đồng tiền này.
Hiện không nhiều các đồng tiền cạnh tranh có thể thay thế đồng USD, khi các nhà đầu tư quốc tế e ngại sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vì nhiều lý do.
Trong những thời điểm có những vấn đề quốc tế gây lo ngại, các nhà đầu tư lựa chọn trái phiếu chính phủ Mỹ để ổn định giá trị tài sản của họ.
Ông Waller không cho rằng đồng USD sẽ sớm để mất vị thế là đồng tiền dự trữ của thế giới và cũng không giảm đáng kể tầm quan trọng trong thương mại và tài chính.
Còn theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) của Mỹ, thâm hụt ngân sách nước này dự kiến sẽ tăng hơn 60% trong 10 năm tới, chủ yếu do chi phí lãi vay và chi tiêu chăm sóc sức khỏe tăng.
Giám đốc CBO Phillip Swagel nhận định thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ tăng từ 1.600 tỷ USD vào năm 2024 lên 2.600 tỷ USD vào năm 2034. Nếu so sánh với sản lượng kinh tế, mức thâm hụt dự kiến sẽ cao hơn đáng kể so với mức trung bình được ghi nhận trong những thập kỷ gần đây. Tương tự, nợ công của Mỹ dự kiến sẽ tăng từ 99% lên mức cao kỷ lục 116% GDP.
Theo ông Swagel, chi phí lãi vay được dự báo sẽ chiếm khoảng 75% mức thâm hụt gia tăng trong giai đoạn 2024-2034. Ngoài ra, dân số già đi và chi phí chăm sóc sức khỏe liên bang tăng lên cũng sẽ làm tăng thêm thâm hụt, do những xu hướng này thúc đẩy nhu cầu chi tiêu.
Trước đó, báo cáo do Bộ Tài chính Mỹ công bố hồi tháng Một cho thấy thâm hụt ngân sách trong quý I tài khóa 2024 (từ tháng 10 đến tháng 12/2023) tăng 21% so với cùng kỳ tài khóa trước, lên mức 510 tỷ USD. Nguyên nhân chính khiến thâm hụt ngân sách Mỹ tăng là do chi tiêu lớn hơn, trong đó có cả khoản lãi trả cho nợ công. Lãi cho nợ công trong quý I này đã tăng 78 tỷ USD, lên mức 310 tỷ USD. Đây cũng là mức lãi nợ công cao nhất trong một quý kể từ năm 2011. Tổng nợ công của Mỹ hiện đã vượt mức 34.000 tỷ USD.
Thâm hụt ngân sách tăng và nợ công khổng lồ là những vấn đề đáng lo ngại đối với nền kinh tế Mỹ. Thâm hụt ngân sách lớn có thể dẫn đến lãi suất cao hơn, giảm đầu tư và tăng áp lực lên các chương trình xã hội. Nợ công lớn cũng có thể khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc.
Trong khi đó, theo khảo sát Markets Live Pulse của Bloomberg, các tín đồ mua sắm tại Mỹ sẽ không chùn bước vì hóa đơn thanh toán thẻ tín dụng gia tăng hay các đợt sa thải nhân công gần đây.
Hơn một nửa trong số 463 người tham gia khảo sát cho rằng người tiêu dùng vẫn chi tiêu mạnh tay hay thậm chí là nhiều hơn trong năm 2024 cho việc mua vé máy bay, ăn nhà hàng hay xem hòa nhạc.
Báo cáo việc làm đầu tiên của năm nay cho thấy nhu cầu tuyển dụng và lương tăng, khiến cho người tiêu dùng có được động lực để chi tiêu.
Tuy nhiên, có những tin kém vui hơn từ thị trường lao động với các thông báo cắt giảm nhân công tại các công ty sản xuất hàng tiêu dùng như Lowe’s Cos., Macy’s Inc. và Whirlpool Corp. và có thể có thêm các công ty khác cũng tiếp bước khi muốn thúc đẩy lợi nhuận.
Mặc dù vậy, với thu nhập của người tiêu dùng Mỹ tăng nhanh hơn tốc độ tăng giá cả, nhiều nhà đầu tư cho rằng xu hướng tiêu dùng của năm 2023 sẽ lặp lại.
Theo nhà phân tích tại công ty môi giới Edward Jones, Brittany Quatrochi, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Sức ép lạm phát đã tác động đến nhiều người, nhưng thị trường việc làm vẫn ổn định, giúp người tiêu dùng vẫn cảm thấy thoải mái khi tiếp tục chi tiêu.
Cùng với khả năng cắt giảm việc làm, những người được hỏi cũng dẫn ra việc thói quen mua sắm đang thay đổi và những dấu hiệu cho thấy ngày càng nhiều người gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ.
Việc người tiêu dùng vẫn duy trì khả năng chi tiêu là điều có lợi cho các nhà bán lẻ như Amazon.com Inc. và Walmart Inc.
Tuy nhiên, khi người Mỹ vẫn muốn săn các món hời, cứ 5 người tham gia khảo sát thì có 4 người cho rằng hầu hết các công ty sản xuất hàng tiêu dùng sẽ duy trì lợi nhuận bằng việc cắt giảm nhân công hay cắt giảm chi phí, thay vì tăng giá bán.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thong-doc-fed-usd-van-la-dong-tien-du-tru-cua-the-gioi/323920.html