Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn về vay qua trang web, vay App
Ngày 08/06, Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng về hoạt động cho vay ngân hàng, một số đại biểu cho rằng thời gian qua hoạt động tín dụng đen vẫn tồn tại và ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn, dẫn đến những hệ lụy to lớn cho gia đình, xã hội. Từ đó, đại biểu đề nghị Thống đốc nêu rõ những giải pháp lâu dài để giải quyết vấn nạn này.
Bà TRẦN THỊ DIỆU THÚY - Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh: “Để giải quyết nạn tín dụng đen, các đoàn thể đã thành lập các tổ chức tài chính vi mô hỗ trợ vốn cho người lao động tại cơ sở. Tuy nhiên, đến nay các tổ chức tài chính vi mô gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng Thông tư 03 năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước do khác biệt với Luật Các tổ chức tín dụng và Quyết định số 20 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Sau đại dịch, nhiều người dân, đặc biệt là nhóm lao động tự do, công nhân, hộ gia đình nghèo có nhu cầu vay vốn rất lớn. Trong khi đó, các tổ chức tài chính vi mô này lại thiếu vốn trầm trọng. Từ thực trạng trên, đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước làm rõ các giải pháp và chính sách để giải quyết hai vấn đề trên?".
Bà NGUYỄN THANH CẦM - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang: “Thời gian qua tại một số địa phương có tình trạng các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng đen núp bóng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính có hoặc không có giấy phép kinh doanh với lãi suất lên tới 300%/ năm. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Tuy nhiên, đến nay hiện tượng này vẫn tồn tại và ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn, dẫn đến những hệ lụy to lớn cho gia đình, xã hội. Đề nghị Thống đốc nêu rõ những giải pháp lâu dài để giải quyết vấn nạn này, để người dân, đặc biệt là người nông dân có thể dễ dàng tiếp cận hơn với các nguồn tín dụng hợp pháp và yên tâm lao động sản xuất kinh doanh?".
Bà NGUYỄN THỊ HỒNG - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: “Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang rà soát, sửa đổi cho áp dụng công nghệ vào hoạt động cho vay bằng việc cấp, lưu giữ hồ sơ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; ban hành thông tư riêng về tín dụng của công ty tài chính, trong đó quy định rất rõ về các quy định về đòi nợ, lãi suất… Ngân hàng Nhà nước cũng chủ trì xây dựng chiến lược về tài chính toàn diện quốc gia, theo đó tất cả những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc cũng như những người yếu thế sẽ được quan tâm triển khai.
Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp tích cực với Bộ Công an tổ chức các hội nghị về phòng, chống tín dụng đen tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Một điểm quan trọng nữa, Ngân hàng Nhà nước rất chú trọng truyền thông để bà con vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn hiểu được các chính sách tín dụng của Nhà nước, tín dụng cho hộ nghèo, đối tượng chính sách… Ngân hàng Nhà nước đã triển khai một số chương trình trên truyền hình như Chương trình Tiền khéo, tiền khôn; Chương trình Tay hòm chìa khóa…, trong đó nhiều những hướng dẫn để bà con có thể biết được những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.”
Cũng theo một số đại biểu, hiện nay người dân dễ dàng tiếp cận một loại hình vay khá phổ biến gọi là vay qua trang web hoặc vay App mà ngân hàng gọi là cho vay ngang hàng (P2P Lending) tiền ẩn rất nhiều rủi ro. Đại biểu đề nghị cần có hành lang pháp lý cho hoạt động vay ngang này.
Bà PHẠM THỊ THANH MAI - Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội: “Hiện nay người dân dễ dàng tiếp cận một loại hình vay khá phổ biến gọi là vay qua trang web hoặc vay App mà ngân hàng gọi là cho vay ngang hàng (P2P - Lending). Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết hành lang pháp lý của hoạt động và quản lý việc cho vay ngân hàng ngang hàng mà người dân chỉ biết đến và gọi chung là vay qua App vì thời gian vừa qua Công an Thành phố Hà Nội đã khám phá án một vụ án vay qua App lên đến hơn 5.000 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho nhân dân?”.
Bà NGUYỄN THỊ HỒNG - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: “Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ mới; trong đó, có ứng dụng cho hoạt động vay ngang hàng (P2P Lending). Tuy nhiên, việc thiếu một hành lang pháp lý cho hoạt động này đã gây ra nhiều vấn đề. Về lý thuyết, hoạt động P2P Lending có thể góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, trên thực tiễn, hoạt động P2P Lending tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội."
Nhấn mạnh vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết hiện Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo Nghị định để kiểm soát vấn đề này. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và ban hành khung pháp lý bao gồm cả các biện pháp chế tài để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.
Thực hiện : Truyền hình Quốc hội Việt Nam