Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan ám chỉ châu Âu cần giám sát ngân hàng tốt hơn Mỹ
Chủ tịch Ủy ban ổn định tài chính (FSB) cho biết, cơ quan này đã bắt đầu đánh giá các bài học từ cách chính quyền Mỹ và Thụy Sĩ phản ứng với cuộc khủng hoảng ngân hàng vừa qua.
Cổ phiếu ngân hàng châu Âu đã lao dốc sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) ở Mỹ vào tháng 3, tạo ra tình trạng hỗn loạn dẫn đến việc UBS buộc phải tiếp quản Credit Suisse.
Các cơ quan quản lý của Mỹ đã cho rằng SVB không phải là rủi ro hệ thống và do đó không bắt buộc phải tuân thủ các quy tắc thanh khoản nghiêm ngặt hơn theo Hiệp định Basel III. Trong khi ở Thụy Sĩ, các nhà quản lý đã chọn không sử dụng công cụ được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đối với các ngân hàng được xem là "quá lớn để sụp đổ".
Klaas Knot, Chủ tịch Ủy ban ổn định tài chính (FSB) và là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan cho biết, FSB đã bắt đầu đánh giá các bài học từ cách chính quyền Mỹ và Thụy Sĩ đã phản ứng với những sự kiện này.
"Tại sao FINMA (Cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sỹ) lại sử dụng thị trường chứ không phải giải pháp giải quyết để thực hiện thương vụ này? Xét cho cùng, chúng tôi đã đi một chặng đường dài trong việc cải thiện khả năng sẵn sàng đối phó với khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng", ông Klaas Knot phát biểu tại một sự kiện do Liên đoàn Ngân hàng châu Âu (EBF) tổ chức.
Ông Klaas Knot cho biết, các cơ quan quản lý cũng nên xem xét lại loại ngân hàng nào được xem là quan trọng về mặt hệ thống và do đó phải tuân theo các tiêu chuẩn vốn Basel III toàn cầu.
"Đó không phải là vấn đề của châu Âu, mà là vấn đề ở những nơi khác trên thế giới. Việc giám sát ở phía chúng tôi rõ ràng là tốt hơn ở phía bên kia Đại Tây Dương”, ông cho biết.
Ngoài ra, mạng xã hội cũng đang có tác động đến lĩnh vực tài chính với một dòng tweet có thể dẫn tới hiện tượng rút tiền gửi hàng loạt và gây ra các vấn đề về thanh khoản. Trước đó, sự sụp đổ của SVB bắt nguồn từ các báo cáo trên mạng xã hội rằng một nhà đầu tư có ảnh hưởng đang khuyến nghị khách hàng rút tiền, khiến khách hàng đổ xô đi rút tiền gửi.
Do đó, ông Klaas Knot cho biết, đã đến lúc phải xem xét lại việc hiệu chỉnh tỷ lệ bao phủ thanh khoản, một bộ đệm tiền mặt và các công cụ thanh khoản khác mà các ngân hàng bắt buộc phải nắm giữ để đối phó với tình trạng siết chặt nguồn vốn ngắn hạn.
Ông cho biết, các khoản lỗ chưa thực hiện cũng có thể cần được phản ánh tốt hơn trong bộ đệm vốn của ngân hàng.
Ngoài ra, ông cũng cảnh báo thị trường chống lại việc định giá cho trường hợp cắt giảm lãi suất vào năm tới.
“Nếu họ phải điều chỉnh kỳ vọng đó, điều mà theo quan điểm của tôi là không có khả năng xảy ra, thì điều này tất nhiên có thể dẫn đến sự điều chỉnh mới trên thị trường tài chính”, ông cho biết.