Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Đang khảo sát để thành lập đoàn thanh tra liên ngành về vàng

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết quá trình kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số tồn tại và đã chấn chỉnh, yêu cầu doanh nghiệp khắc phục. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện khảo sát để thành lập các đoàn thanh tra liên ngành về vàng để có quyết định thanh tra ngay.

Báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa gửi tới đại biểu Quốc hội kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV có một phần đề cập về tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, để phục vụ cho việc tổng kết, đánh giá Nghị định 24, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng.

Theo đó, trong năm 2022, 2023, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn (Cục Quản lý thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an…) triển khai kiểm tra chấn chỉnh hoạt động, tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng, mua, bán vàng miếng. Qua công tác kiểm tra, phát hiện một số đơn vị thực hiện báo cáo vẫn chưa đầy đủ, chính xác, chứng từ giao dịch chưa đầy đủ.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện khảo sát để thành lập các đoàn thanh tra liên ngành về vàng để có quyết định thanh tra ngay.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện khảo sát để thành lập các đoàn thanh tra liên ngành về vàng để có quyết định thanh tra ngay.

"Những tồn tại này đã được Ngân hàng Nhà nước chấn chỉnh, yêu cầu khắc phục. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện khảo sát để thành lập các đoàn thanh tra liên ngành về vàng để có quyết định thanh tra ngay", báo cáo nêu rõ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động của chính sách.

Cụ thể, tháng 7/2022, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp lấy ý kiến về chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách bao gồm: Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam và các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng. Theo đó, các đại biểu dự họp đều thống nhất đánh giá những thành công của Nghị định 24 và thống nhất việc sửa đổi Nghị định 24 là vấn đề cần cân nhắc thận trọng để đảm bảo mục tiêu chống vàng hóa và hạn chế tác động tới thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã lấy ý kiến của 63 Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố về đánh giá, tổng kết Nghị định 24. Trong tháng 2/2023, Ngân hàng Nhà nước đã gửi xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan và Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung kinh nghiệm quốc tế tại dự thảo báo cáo tổng kết.

Ngoài ra, cơ quan này cũng đã tổ chức lấy ý kiến chuyên gia và các Đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề vàng.

Theo đó, cuối tháng 9/2023, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức buổi Tọa đàm "Chính sách quản lý thị trường vàng", có sự tham gia của đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam và một số chuyên gia kinh tế - tài chính, Đại biểu Quốc hội quan tâm về lĩnh vực vàng. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bên, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tu chỉnh, hoàn thiện dự thảo báo cáo.

"Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị định 24, ngày 20/3/2024 đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ", Thống đốc thông tin.

Tiếp đó, ngày 28/3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xin ý kiến của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia. Các thành viên đều thống nhất rằng sau 12 năm triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24, các mục tiêu đề ra đều đã đạt được và thống nhất cao với các đề xuất của Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

Liên quan đến điều hành lãi suất, Thống đốc cho biết, trong các tháng đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế.

Kết quả, mặt bằng lãi suất đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại đã giảm mạnh trong năm 2023 và tiếp tục có xu hướng giảm trong các tháng đầu năm 2024 (lãi suất tiền gửi bình quân và lãi suất cho vay bình quân năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022; đến ngày 10/5/2024, lãi suất tiền gửi bình quân giảm 0,36%/năm và lãi suất cho vay giảm 1,04%/năm so với cuối năm 2023 ).

Đối với công tác điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ, báo cáo đề cập: Từ năm 2022 đến tháng 5/2024, trong bối cảnh tình hình thị trường biến động, có những giai đoạn thuận lợi, khó khăn đan xen, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt, đồng bộ trong khung khổ chính sách tiền tệ chung nhằm đạt mục tiêu xuyên suốt, nhất quán kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhìn chung, giai đoạn từ 2022 đến tháng 5/2024, mặc dù thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động nhưng tỷ giá USD/VND về cơ bản diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt.

Một số giai đoạn, đồng tiền của nhiều nước trong khu vực biến động rất mạnh trước các áp lực trên thị trường tài chính thế giới nhưng mức mất giá của VND so với USD phù hợp và tương đối ổn định so với xu hướng chung của các đồng tiền.

Đơn cử như trong năm 2023, các đồng tiền trong khu vực mất giá so với USD: VND mất giá khoảng 2,9%, Baht Thái: 1,04%; TWD: 2,02%; MYR: 6,09%; KRW: 2,47%; CNY: 3,20%; JPY: 8,74%.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/thong-doc-nguyen-thi-hong-dang-khao-sat-de-thanh-lap-doan-thanh-tra-lien-nganh-ve-vang-1099952.html