Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định hệ thống
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, năm 2023, VND là một trong những đồng tiền ổn định trong khu vực và trên thế giới, chỉ mất giá khoảng 2,9%.
Ngày 8/1, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Ổn định hệ thống, cung ứng vốn cho nền kinh tế
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ năm 2023 tiếp tục là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Chính phủ. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã ứng phó với sự chắc chắn, chủ động và linh hoạt với diễn biến tình hình, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động và về cơ bản đã góp phần vào thành tựu chung về phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kết thúc năm 2023, đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt 5,05% (tuy thấp hơn mục tiêu nhưng là mức cao so với các nước trên thế giới và khu vực), lạm phát được kiểm soát ở mức 3,25% (thấp hơn mục tiêu 4,5% Quốc hội đặt ra), ổn định tỷ giá, VND mất giá chưa đến 3%, dự trữ ngoại hối nhà nước được cải thiện trở lại. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất giảm trở về mức lãi suất trước dịch COVID-19.
Với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước, đến 31/12/2023, tín dụng tăng 13,71% so với cuối năm 2022, thấp hơn không đáng kể so với mức 14,18% của năm 2022.
Thống đốc cũng chia sẻ thêm, dư âm của sự cố rút tiền hàng loạt tại ngân hàng SCB vào cuối năm 2022 vẫn còn, cộng hưởng với tác động đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ và châu Âu, xu hướng tín dụng tăng chậm lại trên khắp toàn cầu... là những yếu tố tác động không thuận tới thanh khoản, tâm lý, kỳ vọng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và người dân.
”Song năm 2023, hệ thống tổ chức tín dụng vẫn cơ bản hoạt động ổn định, huy động và cung ứng vốn cho nền kinh tế tiếp tục tăng, đây là một thành công đáng được nghi nhận và là kết quả của sự quan tâm, sự vào của cả hệ thống chính trị, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự tham gia tích cực của các bộ, ngành và sự tổ chức điều hành bình tĩnh và bản lĩnh của Ngân hàng Nhà nước,” Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Cũng theo Thống đốc, Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” được tích cực triển khai. Việc định giá các ngân hàng chuyển giao bắt buộc dù chưa có tiền lệ nhưng đến nay về cơ bản đã hoàn thành, tạo cơ sở cho việc hoàn tất phương án chuyển giao chi tiết trong thời gian tới.
Đặc biệt, năm 2023, nhiều sản phẩm, dịch vụ, nghiệp vụ đã được số hóa 100%, kết nối dữ liệu dân cư theo Đề án 06, tăng cường truyền thông... góp phần giảm chi phí cho nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gia tăng tiện ích cho người sử dụng, góp phần giảm tín dụng đen. Chỉ trong năm 2023, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng tới 50%-99% tùy phương thức thanh toán, qua đó góp phần giảm chi phí thanh toán, tăng cường tính minh bạch trong nền kinh tế.
Tổ chức tín dụng kiến nghị tăng vốn, xử lý nợ xấu
Cũng chia sẻ tại hội nghị lãnh đạo các ngân hàng thương mại đã kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến nghiệp vụ như tăng vốn điều lệ, xử lý nợ xấu, chuyển giao bắt buộc…
Ông Phạm Đức Ấn – Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank kiến nghị để hỗ trợ cho tăng trưởng, kích thích sản xuất, tiêu dùng trong nước là rất quan trọng mà mấu chốt là việc tăng cường chính sách tài khóa, giải pháp thúc đẩy đầu tư công ngay từ đầu năm đồng thời tháo gỡ vướng mắc về pháp lý liên quan đến dự án đầu tư, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, môi trường, từ đó thúc đẩy tăng nhu cầu sử dụng vốn tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì được hoạt động, từng bước vượt qua khó khăn và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, ông Ấn cũng kiến nghị Chính phủ cũng cần có cơ chế cụ thể để Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa vào kế hoạch bố trí ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất cho ngân hàng thương mại thực hiện chính sách này. Hiện nay, Agribank vẫn còn gần 2.500 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất giai đoạn 2009-2010 nhưng vẫn chưa được bố trí ngân sách cấp bù.
Ông Ấn cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm sửa đổi Thông tư 02 cho phép tổ chức tín dụng được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ với thời gian hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp. Việc triển khai chậm cơ chế này sẽ dễ dẫn đến các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiêu cực để giữ nguyên nhóm nợ.
Liên quan đến vấn đề cổ phần hóa Agribank, ông Ấn cho biết theo quy định tại Nghị định 126, việc cổ phần hóa chỉ được triển khai sau khi có phương án sắp xếp xử lý cơ sở nhà đất được phê duyệt. Trong khi đó, nguồn gốc hình thành, tình trạng pháp lý của các cơ sở nhà đất của Agribank có nhiều vướng mắc nên việc xử lý kéo dài.
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB cũng kiến nghị Chính phủ phê duyệt phương án MB nhận chuyển giao bắt buộc trong quý 1/2024.
Đối với Luật tổ chức tín dụng, ông Thái kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung một số nội dung trong Luật như cơ chế thông thoáng, thuận lợi đối với hoạt động cho vay của Công ty tài chính để người dân tiếp cận dễ dàng nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý trên cơ sở ứng dụng mô hình, công nghệ thuật toán chấm điểm khách hàng, cơ chế chia sẻ, tiếp cận dữ liệu cư dân quốc gia và nguồn thông tin tin cậy khác; đặc biệt có giải pháp tố tụng rút gọn trực tuyến và các biện pháp hành chính nhằm ngăn chặn các tổ chức, cá nhân lợi dụng pháp luật không trả nợ, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Đối với vấn đề tăng vốn, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 để tăng vốn; phê duyệt chủ trương cho phép VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024-2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.
Đối với vấn đề nợ xấu, Chủ tịch VietinBank cho rằng nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế, không chỉ là vấn đề của riêng ngành ngân hàng. Để nợ xấu được xử lý có hiệu quả rất cần sự phối hợp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ các ngành, các cấp.
Vì vậy, Ông Bình đề xuất Luật hóa Nghị quyết 42 nhằm tạo hành lang pháp lý, cơ chế cho hoạt động để xử lý nợ. Đặc biệt, các cơ quan Tòa án, Thi hành án tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xử lý vụ việc để tăng hiệu quả xử lý, thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng./.