Thống đốc: Sở hữu chéo mới xử lý được trên hồ sơ

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, sở hữu chéo giữa các ngân hàng đến nay mới chỉ được khắc phục trên hồ sơ. Vẫn còn tình trạng các tổ chức, cá nhân có thể đứng tên hoặc nhờ đứng tên sở hữu cổ phần, thậm chí thành lập doanh nghiệp trong hệ sinh thái để cho vay vốn ngân hàng.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/9 cho ý kiến về các báo cáo thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ tư, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, các nội dung yêu cầu tại Nghị quyết số 134/2020/QH14 và Nghị quyết số 62/2022/QH15 cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Trong đó, ngành ngân hàng đã xử lý có hiệu quả vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu sáng 18/9.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu sáng 18/9.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới còn băn khoăn: Thực tế, tình trạng sở hữu chéo tại ngân hàng (hiện tượng ngân hàng này nắm giữ cổ phần tại nhà băng khác) có còn không? Điều này có tác động đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế không?

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhắc lại, qua thẩm tra cho thấy sở hữu chéo đã được kiểm soát tốt, vi phạm đã xử lý. Tuy nhiên, cơ chế để xử lý dứt điểm các cổ đông lớn thao túng, chi phối hoạt động ngân hàng còn nhiều ý kiến khác nhau. Giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng hay tỷ lệ sở hữu cổ phần có xử lý dứt điểm được sở hữu chéo hay không còn chưa khẳng định được. Bởi mở rộng hơn hay thu hẹp hơn đều có ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển của nền kinh tế.

Báo cáo giải trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, vấn đề sở hữu chéo, thao túng, sân trước sân sau trong lĩnh vực ngân hàng là vấn đề được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện văn bản quy định của pháp luật cũng như khi triển khai trong thực tiễn để khắc phục.

Người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết: “Trên hồ sơ thì sở hữu chéo giữa các ngân hàng đến nay đã được khắc phục. Tức là trên hồ sơ cá nhân, tổ chức nào giữ tỷ lệ cổ phần như thế nào đối với hệ thống ngân hàng qua hoạt động cho vay đã thể hiện”.

Tuy nhiên, qua thực tế điều tra và một số vụ vừa phát hiện, bà Hồng thông tin: “Vẫn còn tình trạng các tổ chức, cá nhân có thể đứng tên hoặc nhờ đứng tên sở hữu cổ phần, thậm chí thành lập doanh nghiệp trong hệ sinh thái để cho vay vốn ngân hàng”.

Vì vậy, Thống đốc cho biết, trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang trình Quốc hội, khắc phục tình trạng sở hữu chéo, thao túng là vấn đề trọng tâm. Trong đó, dự thảo đã thiết kế một số giải pháp giảm hiện tượng sở hữu chéo như mở rộng phạm vi khái niệm có liên quan, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng, giảm giới hạn cấp tín dụng. Song, trong quá trình lấy ý kiến cũng còn ý kiến khác nhau.

“Tuy nhiên, nếu chờ quy định xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo thì không có”, bà Hồng nêu và cho rằng, quy định như dự thảo luật chỉ là một phần, cần phải kết hợp với các quy định khác để làm sao hoạt động của các tổ chức, cá nhân minh bạch thì mới hướng tới giảm tình trạng này. Đặc biệt để xử lý tình trạng sở hữu chéo còn phụ thuộc vào thực thi, doanh nghiệp, người dân phải tuân thủ.

Bà Hồng cho rằng: Nếu cố tình nhờ đứng tên không xử lý được. Bởi khi cố tình nhờ đứng tên chỉ có cơ quan điều tra phát hiện như một số vụ vừa qua.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/thong-doc-so-huu-cheo-moi-xu-ly-duoc-tren-ho-so-1095398.html