Thong dong trên cánh đồng

Mỗi lần về thăm nhà, tôi vẫn giữ thói quen thong dong trên cánh đồng làng trước nhà. Từng bờ mương, thửa ruộng; từng gốc lúa, bụi cỏ; vạt vừng, luống khoai... đều thương thuộc, gần gũi, thế nhưng tất cả làm trái tim tôi thổn thức, xuyến xao.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Từ câu chuyện của bố, tôi hiểu rằng, không phải ai sinh ra từ làng mới cảm nhận hết được vẻ đẹp của làng, mới yêu quê hương. Tình yêu luôn bắt nguồn từ sự rung động của trái tim yêu thương. Khi chúng ta thực sự biết rung động trước cái đẹp dẫu nó mộc mạc, đơn sơ, tức thì tình yêu sẽ nảy nở. Trước khi cưới mẹ, bố tôi là người gốc phố, sinh ra và lớn lên ở phố nên làng quê với bố vốn dĩ mới mẻ và xa lạ. Thế mà, dần dần, chính tình yêu của mẹ đã giúp bố gắn bó, yêu thương quê vợ tự bao giờ.

Từ nhỏ, tôi đã thích được thong dong trên cánh đồng. Những lúc đó, tôi được thỏa thích đắm mình giữa bức tranh thiên nhiên bình dị nhưng vô cùng tuyệt đẹp của đồng làng bốn mùa cứ thế êm trôi. Trái tim tôi được vỗ về, an ủi. Tôi tìm thấy bình yên qua những yêu thương, giản dị.

Thong dong trên cánh đồng, có lúc tôi thích đạp xe lòng vòng quanh đồng làng; có khi tôi lại thong thả bước thật chậm giữa mênh mông đồng bãi. Tôi mải mê ngắm màu xanh của mùa mới non tơ; say sưa lắng tai nghe lúa hát, sắn, ngô, lạc, vừng kể chuyện, cỏ hoa tâm tình; đã thích hít căng lồng ngực mình hương đồng làng quyện hòa thoảng thơm. Tôi chăm chú dõi theo cánh đồng rộn ràng thay áo mới. Từ xanh nõn, xanh mướt, xanh rì, xanh thẫm; từ vàng mơ, vàng tươi, vàng ối, vàng xuộm... Bức tranh nên thơ của đồng làng khiến bất kỳ ai dù đang vội vã, vô tâm cũng phải nấn ná, dừng lại để rồi ngẩn ngơ trước vẻ đẹp dịu dàng thân thương quá đỗi.

Thong dong trên cánh đồng, tôi cảm nhận rõ sự vất vả, lam lũ của những người dân chân chất, mộc mạc quê tôi. Tôi thương những giọt mồ hôi đóng muối lưng áo bố, tôi thương đôi quang gánh làm oằn vai mẹ và tôi thương những tảo tần mưa nắng của người dân quê chân lấm tay bùn. Thong dong trên cánh đồng, tôi vui lây niềm vui rạng rỡ của bà con cô bác quê tôi khi mùa vàng nhấp nhô, thóc vàng trĩu nặng, cuộc sống quê tôi ấm no đủ đầy.

Thong dong trên cánh đồng, tôi cảm nhận được sự trân quý công sức, giá trị lao động của những người dân lương thiện quê tôi. Họ nhặt từng hạt thóc rơi; họ nâng niu từng bát cơm thơm mới. Tôi thấy rõ tình làng nghĩa xóm gắn bó, đong đầy. Trong từng ánh mắt, nụ cười, từng hành động, việc làm của người dân quê đều toát lên vẻ đẹp gắn kết, chân thành. Bên bát nước chè xanh sóng sánh, hòa cùng giọng nói tiếng cười, người dân quê tôi bao đời vẫn giữ nguyên vẻ thật thà, hiền lành, đáng yêu, đáng quý.

Thong dong trên cánh đồng, tôi thích ngắm nhìn lũ trẻ quê tôi, mặt mũi lấm lem, đen nhẻm vui đùa trên từng bờ mương, thửa ruộng. Nào chăn trâu cắt cỏ; nào bắt châu chấu, cào cào; rồi thả diều, đá bóng; rồi mót khoai, be bờ tát cá... Giữa đồng làng thơm thảo, lũ trẻ quê với những niềm vui riêng, ngả nghiêng nói cười, thỏa đam mê bất tận. Tôi nhận ra, chẳng tuổi nào vô tư, lí lắc; hồn nhiên, yêu đời như tuổi nhỏ. Hòa chung niềm vui của chúng, tôi gặp lại chính mình một thuở ngây ngô. Niềm vui vô bờ, nỗi buồn cũng không kể hết. Tôi luôn nhủ chính mình, cần phải trân quý những điều đã qua và những điều đang có.

Mẹ tôi bảo: “Quê hương là nơi chân ta có thể rời đi nhưng tim ta vẫn mãi ở đó”. Đúng thế. Khi xa làng, tôi mang theo nỗi nhớ quê nôn nao, khắc khoải và không nguôi mong ngóng được trở về. Lúc trở về gặp lại, nỗi nhớ đồng làng càng mãnh liệt, trào dâng. Tôi yêu làng, đơn giản vì đó là quê tôi, là nơi tôi được sinh ra và lớn lên, nơi có gia đình, họ hàng, làng xóm, nơi đựng cả thế giới tuổi thơ tôi nhiệm màu như cổ tích.

Thong dong trên cánh đồng, càng thấm thía tình quê, tôi càng biết ơn, biết nâng niu, trân trọng những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương mình.

Xanh Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thong-dong-tren-canh-dong-post466905.html