Thông luồng... hướng nghiệp: Kỳ vọng ở Chương trình mới

Lâu nay việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh thường chỉ được quan tâm khi bước vào giai đoạn cuối cấp THPT.

Chương trình GDPT mới sẽ phân hóa, định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ lớp 10.

Chương trình GDPT mới sẽ phân hóa, định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ lớp 10.

Điều này dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên khi vào giảng đường đại học mới vỡ ra đã chọn nhầm hướng đi. Tình trạng trên sẽ được hạn chế khi Chương trình GDPT mới thực hiện phân hóa, định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ lớp 10.

Giúp “nhìn xa trông rộng”

Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với lớp 10 được đặc biệt quan tâm. Đây là lớp đánh dấu bước chuyển quan trọng đối với học sinh, hướng tới mục tiêu định hướng nghề nghiệp. Việc xây dựng chương trình lớp 10 theo hướng phân hóa, định hướng nghề nghiệp cho học sinh là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi ngày một mạnh mẽ, áp lực cạnh tranh tương lai cũng ngày càng lớn hơn.

Ông Bùi Quý Khiêm, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho biết: Giáo dục hướng nghiệp trong Chương trình GDPT mới được xây dựng trên cơ sở kế thừa ưu điểm của chương trình giáo dục hướng nghiệp đã triển khai. Đồng thời, bám sát nội dung Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018 - 2025”. Ở cấp THPT, giáo dục hướng nghiệp được thực hiện ở tất cả môn học và hoạt động giáo dục.

Thông qua chương trình “Kết nối chuyên gia hướng nghiệp đến từng học sinh TP Cần Thơ” do Sở GD&ÐT TP Cần Thơ phối hợp cùng các đơn vị tổ chức, kết quả khảo sát, có trên 55% học sinh không biết cách chọn ngành, nghề phù hợp; hơn 60% học sinh mong muốn được tư vấn cách thức chọn nghề phù hợp với năng lực và đam mê...

Nêu thực tế khó khăn, cô Đinh Kim Oanh, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (TP Cần Thơ) cho hay: “Theo chương trình hiện hành, các khối lớp đều có tiết hướng nghiệp, tuy nhiên chỉ 1 tiết/tháng. Thời lượng ít nên việc hướng nghiệp cho học sinh chưa thực sự hiệu quả, chủ yếu tập trung vào năm lớp 12. Nên giai đoạn này học sinh thường học lệch, nhiều em hoang mang trong việc chọn tổ hợp thi và ngành nghề tương lai. Trong khi các trường đại học, cao đẳng đến trường tư vấn tuyển sinh chỉ chủ yếu tập trung cho học sinh khối 12”.

Theo các chuyên gia và thầy cô giáo, Chương trình GDPT mới triển khai từ lớp 10 theo hướng phân hóa và định hướng nghề nghiệp cho học sinh thì vấn đề trên sẽ được tháo gỡ, giúp học sinh “nhìn xa trông rộng” hơn trong chọn nghề, chọn trường.

Thầy Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) nhìn nhận: Phân luồng trong Chương trình GDPT mới nhằm định hướng cho học sinh lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh; Tạo điều kiện cho người học dễ dàng chuyển đổi giữa các chương trình giáo dục, học thường xuyên, học suốt đời, góp phần từng bước xây dựng xã hội học tập. Thông qua việc lựa chọn tổ hợp môn học ở lớp 10, cha mẹ học sinh quan tâm hơn đến việc học và định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho con em ngay từ khi còn học THCS.

HS cấp THPT trải nghiệm tại Khoa Răng Hàm Mặt, Trường ĐH Trà Vinh.

HS cấp THPT trải nghiệm tại Khoa Răng Hàm Mặt, Trường ĐH Trà Vinh.

Chủ động nhập cuộc

Để chuẩn bị cho Chương trình mới lớp 10, các trường phổ thông ở TP Cần Thơ chủ động tổ chức tư vấn hướng nghiệp học sinh, tùy điều kiện mỗi trường có cách thức phù hợp. Ở cấp THCS, nhiều trường tạo điều kiện học sinh lớp 8, lớp 9 trải nghiệm thực tế ở nhà máy, xí nghiệp, tham quan trường nghề trên địa bàn… Cấp THPT, bên cạnh các tiết học giáo dục hướng nghiệp theo quy định, trước thềm mỗi Kỳ thi tốt nghiệp THPT đều có nhiều hình thức tư vấn.

Như Trường THPT Hà Huy Giáp (huyện Cờ Ðỏ), mỗi năm có 9 tiết dạy học để tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT, trường dành riêng một buổi học để tư vấn và hỗ trợ học sinh điều chỉnh tổ hợp môn đúng với sở thích và năng lực học tập.

Trường THPT Trần Ðại Nghĩa (quận Cái Răng), ngoài tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh, còn chủ động tổ chức Ðại hội Hội phụ huynh học sinh khối 12 sau mỗi học kỳ. Qua đó, phụ huynh được tư vấn và hướng dẫn lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực học tập, có phương án học tập và chuẩn bị cho thi tốt nghiệp THPT. Trường chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm theo sát việc học, định hướng học sinh chọn ngành nghề, tổ hợp môn thi…

Theo cô Đinh Kim Oanh, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (TP Cần Thơ), trong Chương trình GDPT mới, việc định hướng phân luồng, hướng nghiệp từ lớp 10 sẽ giúp học sinh xác định nhóm tổ hợp tự chọn theo sở thích, năng lực của bản thân học sinh. Từ đó có sự đầu tư vào những bộ môn chủ yếu trong nhóm tổ hợp để chọn khối thi và nghề nghiệp thích hợp.

Việc định hướng sớm về nghề nghiệp giúp học sinh tự tin khi chọn ngành nghề phù hợp và đầu tư đúng mức cho khối thi. “Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018, chúng tôi kỳ vọng hoạt động hướng nghiệp bắt buộc từ lớp 10. Từ đó học sinh có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn về nghề nghiệp tương lai, nắm vững nhu cầu xã hội, thị trường lao động.

Trải nghiệm trở thành hoạt động cần thiết trong chương trình, giúp học sinh có cơ hội học hỏi nhiều hơn và xác định việc học tiếp lên đại học hay chuyển qua học nghề để phù hợp với khả năng của bản thân. Tổ hợp tự chọn sẽ giúp học sinh thật sự phát triển năng khiếu cá nhân”, cô Oanh nhấn mạnh.

Ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng cũng tích cực chuẩn bị đội ngũ triển khai chương trình mới, đặc biệt là giáo viên làm công tác hướng nghiệp. Theo đại diện Sở GD&ĐT, toàn tỉnh có 58/110 trường cấp THCS, 23/40 trường THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng nhu cầu về chuyên môn.

Quan tâm đến công tác giáo dục hướng nghiệp, hàng năm các trường cử giáo viên tham gia tập huấn hướng nghiệp do sở, ngành tổ chức; lấy ý kiến tham khảo học sinh ngay từ đầu cấp THPT trong việc lựa chọn nghề nghiệp để làm cơ sở định hướng trong suốt cấp học. Đối với Chương trình GDPT mới, các đơn vị đã chú trọng đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp tích hợp trong các môn học và hoạt động giáo dục theo định hướng giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán (giáo dục STEM), phù hợp với xu hướng phát triển ngành nghề, đáp ứng thị trường lao động…

Những định hướng của nhà trường theo Chương trình GDPT 2018 giúp học sinh lựa chọn trường phù hợp, chọn tổ hợp môn học đúng với năng lực, hoặc lựa chọn học một nghề đúng với khả năng và điều kiện kinh tế. Các em không phải bỏ học tha phương làm lao động khi chưa đủ tuổi. - Thầy Nguyễn Văn Lộc

Quốc Ngữ - Trường Tiến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/thong-luong-huong-nghiep-ky-vong-o-chuong-trinh-moi-YUIf5Wu7R.html