Thống nhất cả nước điểm thi vào 10 không nhân hệ số là phù hợp
Khi tính điểm thi vào lớp 10 có nhân hệ số 2 với môn Toán, Văn, học sinh dễ có tâm lý phân biệt 'môn chính', 'môn phụ' và chỉ chú trọng tới 2 môn này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 về Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.
Trong đó, tại khoản 6, Điều 13 Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông quy định: “Điểm xét tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông là điểm tổng của các môn thi, bài thi tính theo thang điểm 10 (mười) với mỗi môn thi, bài thi. Việc công bố điểm chuẩn được thực hiện đồng thời với công bố điểm thi”.
Quy định này được lãnh đạo nhiều trường học đánh giá là sẽ tạo nhiều sự thay đổi, giúp học sinh trung học cơ sở học toàn diện hơn.
Tạo sự công bằng trong đánh giá năng lực học sinh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Văn Nin - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) chia sẻ, trên địa bàn tỉnh đã triển khai cách tính điểm xét tuyển vào lớp 10 không nhân hệ số 2 đối với môn Toán, Ngữ văn từ năm 2019.
Theo thầy Nin, trước năm 2019, các trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn tính điểm xét tuyển vào lớp 10 là tổng điểm 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng anh, trong đó, môn Toán và môn Ngữ văn nhân hệ số 2.
“Tôi cho rằng, nếu tính điểm bình đẳng giữa các môn thi theo Thông tư 30 sẽ giúp các em đều hưởng sự công bằng, tránh thực trạng những em học trội môn học có nhân hệ số 2 sẽ có lợi thế hơn học sinh học trội các môn học khác.
Đặc biệt, trước đây, trong tâm lý của học sinh và phụ huynh, khái niệm ‘môn chính’, ‘môn phụ’ đã tồn tại như một định kiến khó thay đổi. Các môn như Toán, Ngữ văn được coi là những môn học quan trọng và nhận được sự ưu tiên, trong khi những môn học khác lại ít được chú trọng. Từ đó, học sinh dễ mất cân bằng trong việc học và làm giảm giá trị của những môn học còn lại, mặc dù chúng đóng vai trò không kém phần quan trọng trong việc phát triển tư duy, kỹ năng sống và nhận thức xã hội của học sinh.
Do đó, với quy định mới, học sinh học đều các môn, thay vì chỉ học một vài môn như trước đây. Chưa kể, không phải học sinh nào cũng có thể học tốt môn Toán và Ngữ văn ngay cả khi đã dành nhiều thời gian. Vì vậy, nếu điểm các môn thi đều tính trên thang điểm 10 mỗi môn thì học sinh có thể gỡ gạc được tổng điểm nhờ môn còn lại”, thầy Nin nêu quan điểm.
Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cho biết, quy định này còn khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, đảm bảo tất cả các môn học đều được đầu tư công bằng về thời gian, công sức và chất lượng dạy học. Đặc biệt, quy định cũng giúp học sinh không còn tâm lý “thi môn nào, học môn đó”, từ đó các bạn có thể học tập với một tinh thần chủ động hơn.
Tuy nhiên, để áp dụng hiệu quả quy định này trên phạm vi cả nước, các nhà trường cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là công tác tuyên truyền. Trong đó, các trường học cần đóng vai trò trung tâm trong việc định hướng, giúp phụ huynh và học sinh hiểu rõ giá trị của việc học đều các môn, từ đó thay đổi tư duy và thái độ đối với các môn học. Đồng thời, nhà trường cần xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp, hỗ trợ học sinh không chỉ trong việc nắm vững kiến thức mà còn trong việc phát triển tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề.
“Với tinh thần đổi mới giáo dục, tôi tin, việc áp dụng điểm các môn thi đều tính hệ số 1 là hướng đi đúng đắn, không chỉ khuyến khích các em học đều các môn, mà còn coi trọng mọi kiến thức và hướng đến hệ thống giáo dục bền vững, giúp học sinh phát triển toàn diện”, thầy Nin bày tỏ.
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Võ Văn Quyến - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng cách tính điểm xét tuyển vào lớp 10 bằng tổng điểm 3 môn tính trên thang điểm 10 mỗi môn thi, bài thi từ năm 2020. Đến nay, nhà trường cũng nhận thấy những kết quả tích cực.
Theo thầy Quyến, khi không nhân hệ số 2 với môn Toán và môn Ngữ văn, học sinh sẽ tự tin hơn khi thể hiện năng lực ở nhiều môn học khác nhau, đồng thời các môn học thường bị xem nhẹ trước đây cũng dần được chú trọng, từ đó dẫn đến cải thiện về chất lượng giảng dạy và học tập.
“Chủ trương này không chỉ đảm bảo sự bình đẳng giữa các môn học mà còn khuyến khích học sinh phát triển năng lực toàn diện. Trước đây, việc nhân hệ số 2 các môn như Toán và Ngữ văn thường khiến học sinh và phụ huynh coi trọng hai môn này hơn, dẫn đến tình trạng học lệch và ít dành thời gian cho những môn học khác.
Xét về lâu dài, việc thống nhất cả nước tính điểm vào 10 không nhân hệ số mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Trước hết, chính sách này phù hợp với định hướng giáo dục toàn diện, khuyến khích học sinh phát triển đa dạng kỹ năng, không chỉ tập trung vào tư duy logic hay ngôn ngữ mà còn mở rộng sang khả năng sáng tạo, hợp tác và tư duy phản biện. Việc công nhận bình đẳng giá trị các môn học cũng giúp giảm thiểu tình trạng bất công trong đánh giá năng lực, đồng thời tạo động lực để giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, đầu tư nhiều hơn vào việc nâng cao chất lượng bài giảng”, thầy Quyến nêu quan điểm.
Tuy nhiên, việc áp dụng cách tính điểm không nhân hệ số cũng đặt ra một số thách thức. Đầu tiên là sự khác biệt về năng lực cá nhân, khi học sinh có thế mạnh ở các môn Toán và Ngữ văn cần nỗ lực hơn để đạt kết quả tốt ở những môn không phải sở trường. Đồng thời, quá trình thay đổi nhận thức của phụ huynh và giáo viên cũng là một vấn đề lớn, bởi nhiều người vẫn quen với tư duy trọng điểm, coi các môn học chính là yếu tố quyết định cơ hội cạnh tranh vào trường chuyên, lớp chọn. Bên cạnh đó, việc đảm bảo chất lượng giảng dạy đồng đều giữa các môn học, đặc biệt ở những địa phương còn khó khăn, nơi đội ngũ giáo viên và nguồn lực giáo dục cho các môn ít được ưu tiên trước đây có thể chưa đáp ứng đủ yêu cầu.
"Nhìn chung, việc áp dụng cách tính điểm xét tuyển không nhân hệ số là bước đi đúng đắn, thể hiện sự tiến bộ trong tư duy quản lý giáo dục, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện của học sinh”, thầy Quyến bày tỏ.
Khuyến khích học sinh chú trọng phát triển toàn diện
Theo thầy Nguyễn Văn Đốc - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Yên Phương (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc), Thông tư 30 mang lại tính khách quan, chính xác hơn trong việc đánh giá học sinh. Trước đây, tại địa phương, hai môn Toán và Ngữ văn được nhân hệ số 2, kết hợp với môn Tiếng anh tính hệ số 1 để làm căn cứ xét tuyển. Cách tính này tạo lợi thế rõ rệt cho những học sinh giỏi Toán và Ngữ văn, nhưng chưa phản ánh đầy đủ năng lực toàn diện của học sinh. Do đó, Thông tư 30 sẽ giúp học sinh không phải chịu áp lực nặng nề vào một số môn cụ thể, đồng thời khuyến khích học sinh học đều và chú trọng phát triển toàn diện hơn.
“Thời gian đầu, một số học sinh sẽ cảm thấy khó khăn, đặc biệt là những em đã quen tập trung đầu tư vào các môn trọng điểm như Toán và Ngữ văn. Bởi, với cách tính mới, học sinh cần có chiến lược học tập cân bằng hơn, không xem nhẹ bất kỳ môn thi nào. Theo đó, cả học sinh lẫn giáo viên có kế hoạch chuẩn bị điều chỉnh lộ trình học tập và ôn luyện đạt kết quả tốt.
Để thực hiện Thông tư 30 một cách hiệu quả, nhà trường đã có các bước chuẩn bị cần thiết, bao gồm thông báo cho học sinh và phụ huynh về nội dung thay đổi, đồng thời lên kế hoạch tổ chức ôn tập hiệu quả. Bởi, sự thay đổi này còn góp phần trong việc định hướng giáo dục lâu dài, giúp học sinh không chỉ tập trung vào một vài môn mà bỏ qua các môn khác.
Về mặt lâu dài, Thông tư 30 sẽ là một bước tiến quan trọng trong cải cách giáo dục, hướng đến sự khách quan và bình đẳng hơn trong đánh giá năng lực học sinh. Việc thực hiện thành công Thông tư 30 không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của học sinh mà còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ các trường học, giáo viên và gia đình để đảm bảo mọi học sinh đều được tạo điều kiện tốt nhất cho kỳ thi tuyển sinh”, thầy Quyến bày tỏ.