Giảm áp lực từ tuyển sinh đầu cấp
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Thông tư 30 quy định 3 phương thức tuyển sinh lớp 10 và chốt tuyển sinh lớp 6 theo phương thức xét tuyển. Những thay đổi trong quy chế lần này được đánh giá bảo đảm giáo dục toàn diện, công bằng với người học.
Tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10 bảo đảm giáo dục toàn diện
Theo quy chế mới, Bộ GD&ĐT quy định phương thức tuyển sinh vào lớp 6 THCS là xét tuyển, không tổ chức thi. Tiêu chí xét tuyển do Sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Đối với tuyển sinh THPT vào lớp 10 sẽ có 3 phương thức gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương. Thông tư cũng quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn và 1 môn thi hoặc bài thi thứ ba do Sở GD&ĐT lựa chọn. Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học Cơ sở, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 3 năm liên tiếp.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT cho rằng: "Nếu chúng ta quy định môn thứ ba là cố định thì học sinh từ khi bắt đầu vào lớp 6 đã phải rất chăm chú, tập trung cho môn sẽ thi, ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng học tập các môn học khác. Điều này dẫn tới học sinh học không được toàn diện, gây thiệt thòi cho học sinh trong việc tích lũy kiến thức, phát triển năng lực của bản thân để học lên các bậc học cao hơn cũng như tham gia vào thị trường lao động sau này".
Trong Thông tư mới, Bộ GD&ĐT quy định đối tượng tuyển thẳng, chế độ ưu tiên đảm bảo công bằng cho tất cả học sinh.
Chọn trường phù hợp với năng lực
Những mùa tuyển sinh trước, tình trạng "ép" học sinh lớp 9 không dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội tiếp tục được phụ huynh phản ánh. Điều này có thể đã gây nên một số hiểu lầm về việc trọng thành tích khi giáo viên tư vấn cho học sinh có năng lực học tập trung bình không tham dự kỳ thi vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập.
Xét từ góc độ của phụ huynh rơi vào hoàn cảnh này, họ luôn cảm thấy bất bình và phẫn nộ vì sau 9 năm học tập, con mình "không được" tham dự một cuộc thi "nóng bỏng và gay cấn" là thi vào lớp 10 công lập. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận câu chuyện này từ một cách tiếp cận khác là phân luồng giáo dục, thì có thể dễ dàng hiểu và chấp nhận vấn đề này hơn.
Vài năm trở lại đây, nhiều học sinh và gia đình đã nhận thức rõ được năng lực của bản thân, từ đó lựa chọn được hướng đi phù hợp, tránh được những căng thẳng, áp lực về tinh thần khi đối mặt với một kỳ thi vào lớp 10 công lập đầy cam go.
Khi được hỏi có tham gia vào kỳ thi lớp 10 công lập trong năm nay không, Đỗ Phương Anh, lớp 9A4 - trường THCS Minh Khai, quận Hai Bà Trưng đã có được câu trả lời rõ ràng và chia sẻ về dự định học nghề chăm sóc sắc đẹp. "Em chưa đủ cố gắng, nỗ lực và không có định thi vào 10 nên em sẽ thi trường nghề. Bố mẹ em cũng đã trao đổi với cô giáo chủ nhiệm để ra quyết định đó", Phương Anh chia sẻ.
Bên cạnh việc chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh, các trường THCS chú trọng công tác phân luồng giúp các em sẵn sàng tâm thế trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT sắp tới. Các gia đình có con thi vào lớp 10 năm nay cũng nên chủ động giữ trạng thái tâm lý vui vẻ, chú trọng sức khỏe thể chất và tâm lý của con, không đặt nặng áp lực phải đỗ đối với con.
Chuẩn bị tâm thế tốt cho con em
Dù đang bước vào giai đoạn nước rút để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 tới đây, nhưng em Trần Hải Duyên và các bạn lớp 9A2, trường THCS Thành Công không cảm thấy áp lực nhiều như các anh chị khóa trước, dù rằng cũng có chút hồi hộp.
Em Duyên chia sẻ: "Em học tránh học tủ, học vẹt. Đối với chương trình mới em khá hồi hộp nhưng thầy cô động viên nên em vẫn sắp xếp vừa học tập, vừa tập thể thao giữ gìn sức khỏe".
Lịch trình ôn tập vừa sức, không quá áp lực. Học sinh vẫn tham gia các hoạt động bổ ích như thể thao, nghệ thuật để cân bằng cuộc sống. Đó là cách mà các em chuẩn bị tâm lý thoải mái, kỹ năng cần thiết để tự tin và sẵn sàng bước vào kỳ tuyển sinh đầu cấp sắp tới ở Hà Nội.
Thời gian này, các nhà trường cũng thực hiện kế hoạch ôn tập cho học sinh khối lớp 9, phân loại đối tượng học sinh để hệ thống kiến thức nhưng đảm bảo không quá áp lực. Bên cạnh việc ôn luyện của các nhà trường thì việc đảm bảo sức khỏe tinh thần và thể chất cho các sĩ tử cũng là vô cùng quan trọng đối với nhiều bậc phụ huynh.
Thi cử đầu cấp ở các quốc gia
Từ lâu, giáo dục luôn là lĩnh vực được nhiều quốc gia chú trọng và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Hệ thống giáo dục và thi cử đầu cấp ở mỗi nước lại có những khác biệt và đặc trưng riêng độc đáo.
Nhật Bản không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp các cấp mà chỉ cấp chứng nhận tốt nghiệp cấp 3 sau khi học sinh đạt được các tiêu chuẩn, tạm gọi là đủ điều kiện để xét tốt nghiệp. Lý do là thi tốt nghiệp chuyển cấp sẽ tạo những áp lực không cần thiết và gây tốn kém, lãng phí.
Mục tiêu của ngành giáo dục Nhật Bản là đào tạo công dân có phẩm chất, tri thức và nhân cách. Các tiêu chuẩn đào tạo được Bộ Giáo dục Nhật Bản quy định đối với các trường và là căn cứ để các trường tự xây dựng tiêu chí đánh giá riêng đối với học sinh. Chỉ khi được cấp chứng nhận tốt nghiệp, học sinh mới có đủ điều kiện tham gia kỳ thi đại học hay cao đẳng.
Đáng chú ý, Nhật Bản không có khái niệm lưu ban và cũng không có thang điểm qua từng lớp học hay cấp học, nên rất hiếm khi học sinh phải học lại chương trình với các học sinh khóa dưới. Việc học hết trung học ở Nhật Bản là để hoàn thành quá trình đào tạo một công dân với đầy đủ các tiêu chuẩn mà không có đánh giá quá cụ thể, mang tính so sánh về năng lực hay hạnh kiểm đối với từng người. Điều này cũng giúp các cá nhân không cảm thấy tự ti so với những người khác và cảm thấy mình được đối xử công bằng và có cơ hội phấn đấu như nhau trong xã hội.
Trái ngược với ngành giáo dục Nhật Bản, các kỳ thi chuyển cấp tại Trung Quốc vốn nổi tiếng là khốc liệt, tạo áp lực không nhỏ với học sinh và phụ huynh. Do thời gian học ở trường quá dài và bố mẹ muốn con phải học giỏi, nhiều trẻ em tại đây không có thời gian để vui chơi, giải trí.
Tại đây, các cuộc thi chuyển cấp đều diễn ra khốc liệt, đầy tính cạnh tranh do điểm số của kỳ thi sẽ quyết định đến cơ hội học tập và làm việc tại các thành phố lớn. Các phụ huynh Trung Quốc tin rằng, nếu con cái của họ bắt đầu ôn luyện càng sớm thì khả năng đỗ đạt càng cao, vì vậy, nhiều gia đình cho con theo học ở các trung tâm luyện thi khi chúng chỉ mới học lớp 1 hoặc lớp 2.
Theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu trẻ em và giới trẻ Trung Quốc được thực hiện với trên 2.500 em nhỏ đang học tiểu học và trung học cơ sở tại nhiều thành phố lớn, trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu... trung bình các em dành 6 - 8 tiếng mỗi ngày ở trường, thậm chí có em đến 12 tiếng.
Trong khi đó, giáo dục Hàn Quốc lại được biết đến rộng rãi với kỳ thi đại học nổi tiếng, được coi là một trong những sự kiện quốc gia thường niên của Hàn Quốc. Vào thứ 5 đầu tiên của tháng 11, khi kỳ thi bắt đầu, các chuyến bay thương mại sẽ tạm dừng 35 phút để tránh gây tiếng ồn, tránh ảnh hưởng đến hiệu quả làm bài thi. Hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính cũng sẽ giao dịch trễ hơn khung giờ bình thường để giảm tải tình trạng tắc đường. Phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu ngầm tăng cường các chuyến để hỗ trợ học sinh tham gia kỳ thi marathon kéo dài 9 tiếng đồng hồ.
"Suneung" là tên viết tắt của kỳ thi đại học Hàn Quốc CSAT - kỳ thi chung chuẩn hóa nhằm đánh giá năng lực để được nhận vào các trường đại học tại Hàn Quốc từ năm 1994. Kỳ thi sẽ bao gồm các môn thi như địa lý, đạo đức, luật pháp và chính trị, lịch sử thế giới và nhiều chủ đề khác. Để đạt điểm cao, học sinh không chỉ cần học hành tốt mà còn phải có lượng kiến thức xã hội khổng lồ.
Học sinh thường bắt đầu học cho kỳ thi Suneung khi mới chỉ 13-14 tuổi, trong những năm đầu khi mới bước vào trung học phổ thông. Các em phải tham gia những lớp học thêm ngoài giờ sau khi học trên lớp. Trung bình thường gian dành cho việc học của một học sinh trung học phổ thông là 16 tiếng/ngày. Rất nhiều học sinh ước mơ được trở thành sinh viên tại các trường đại học hàng đầu như Đại học Seoul, Đại học Yonsei… Trong số hơn nửa triệu học sinh tham dự kỳ thì, chỉ có 2% em đỗ vào những ngôi trường nhóm đầu như vậy. Theo một bài viết trên BBC, thậm chí sau khi hoàn thành kỳ thi đại học, nhiều học sinh Hàn Quốc vẫn sẽ tiếp tục con đường học hành và thi cử thêm chục năm nữa cho các cuộc thi và chứng chỉ để ổn định một chỗ đứng trong thị trường lao động của quốc gia châu Á.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/giam-ap-luc-tu-tuyen-sinh-dau-cap-296827.htm