Thống nhất công nhận TP Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới
Chiều 25-4, Hội đồng Thẩm định Trung ương đã tổ chức hội nghị xét, công nhận TP Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Hội nghị xét, công nhận TP Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ XDNTM (ảnh VP Điều phối XDNTM tỉnh Thanh Hóa cung cấp).
Cùng tham dự có đại diện các bộ, ngành Trung ương là thành viên Hội đồng. Về phía tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, TP Sầm Sơn, VP Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Thanh Hóa.
Sầm Sơn thực hiện chương trình XDNTM với nhiều đặc thù, đó là từ 2010 đến 2015, thị xã Sầm Sơn (cũ) chỉ có 1 xã Quảng Cư thực hiện XD NTM; năm 2016 thị xã được sáp nhập thêm 6 xã của huyện Quảng Xương gồm: Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Minh, Quảng Vinh, Quảng Hùng và Quảng Đại. Ngày 19-4-2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ và Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn nên nhiệm vụ XDNTM chỉ còn lại tại 3 xã Quảng Minh, Quảng Đại và Quảng Hùng.
Các đại biểu tỉnh Thanh Hóa tham gia phản biện và giải trình các nội dung liên quan tại hội nghị. (Ảnh VP Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Thanh Hóa cung cấp).
Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình XDNTM, Ban Chỉ đạo Chương trình XDNTM thành phố đã quán triệt quan điểm NTM là chương trình lớn, cần nhiều vốn, phải đa dạng hóa các nguồn lực mới có thể thực hiện được. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, thành phố, nguồn vốn đối ứng của xã, vốn huy động từ Nhân dân đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Trong 11 năm (giai đoạn 2010-2021), thành phố đã quan tâm chú trọng huy động tối đa nguồn lực để đầu tư xây dựng NTM. Đến nay, tổng nguồn lực huy động cho XDNTM của thành phố đã đạt 977,436 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 28,4 tỷ đồng, chiếm 2,91%; Ngân sách tỉnh hỗ trợ 40,652 tỷ đồng, chiếm 4,16%; Ngân sách thành phố đạt 104,036 tỷ đồng, chiếm 10,64%; Ngân sách các xã huy động 80,720 tỷ đồng, chiếm 8,26%; còn lại là Nhân dân đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi và xây dựng, cải tạo, chỉnh trang nhà ở.
Cơ sở hạ tầng giáo dục tại xã Quảng Đại được xây dựng khang trang, hiện đại.
Từ nguồn vốn huy động, TP Sầm Sơn đã phát triển được hệ thống hạ tầng khang trang trên nhiều lĩnh vực. Riêng nhiệm vụ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được cấp ủy, chính quyền thành phố đến các xã xác định là nhiệm vụ quan trọng trong XDNTM. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đã tập trung khai thác mọi tiềm năng, lợi thế so sánh để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.
Trung tâm điều hành TP thông minh Sầm Sơn.
Về nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân, thành phố đã tập trung các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đặc biệt khai thác mọi tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển các ngành kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng từ đó nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người toàn thành phố đạt 49,28 triệu đồng/người/năm, tăng 28,28 triệu đồng so với năm 2010, Từ đó, khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa khu vực nông thôn và thành thị của thành phố từng bước thu hẹp.
Tại hội nghị thẩm định, đại diện các bộ, ngành Trung ương là thành viên Hội đồng đã đánh giá cao những tiêu chí đạt được, những mặt cần tiếp tục nâng cao.
Hội đồng Thẩm định Trung ương đã bỏ phiếu thống nhất TP Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ XDNTM. Đây là cơ sở để Hội đồng Thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận TP Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ XDNTM trong thời gian tới.