Thống nhất nghiệm thu dự án hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Dự án do Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì; chủ nhiệm dự án là tiến sĩ Nguyễn Đức Vượng. Mục tiêu của dự án là nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao ít nhất 50% giá trị sản phẩm dựa trên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, hỗ trợ hồ sơ đăng ký bảo hộ công nghiệp, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở.
Theo đơn vị chủ trì, dự án được triển khai trên các sản phẩm gồm: nước hoa đậu biếc tắc mật ong vị bạc hà, nước hoa đậu biếc tắc mật ong vị nguyên bản, mứt vỏ cam xoàn sấy dẻo, lạp xưởng Vĩnh Tân, kẹo dẻo trái cây mật ong, tôm sốt rau củ, xoài sấy dẻo, khô trâu Sáu Sành, gạo hữu cơ, bánh in nhân đậu xanh, mắm cá rô không xương.
Sau hơn 2 năm triển khai, dự án đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cải tiến kéo dài hạn sử dụng của sản phẩm, cải tiến nhà xưởng, cải tiến công đoạn, quy trình sản xuất, hỗ trợ bảo hộ sở hữu công nghiệp, khai thác và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm, hỗ trợ thiết kế bao bì, hỗ trợ công bố, thu thập thông tin về sản phẩm trong dự án để đưa thông tin lên website OCOP Việt Nam. Hoạt động chuyển giao cho 11 đơn vị thụ hưởng từ dự án với các lĩnh vực khác nhau ở 11 huyện, thị xã đã được thực hiện trực tiếp tại các đơn vị sản xuất. Các nội dung đào tạo lý thuyết và đánh giá trước và sau đào tạo nâng cao nhận thức của người lao động gồm an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động và về 5S3R được tiến hành trực tiếp tại từng đơn vị đối ứng của dự án…
Qua nội dung trình bày báo cáo, Hội đồng nghiệm thu đánh giá, nhận xét dự án triển khai tốt. Các nội dung trình bày và kết luận trong báo cáo trên cơ sở điều tra, khảo sát và đánh giá đều có cơ sở. Các sản phẩm, kết quả của dự án có giá trị về mặt khoa học và thực tiễn, góp phần bảo vệ, phát huy thương hiệu đặc sản của địa phương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm. Các thành viên Hội đồng cũng đánh giá cao dự án có khả năng duy trì, nhân rộng, thống nhất nghiệm thu dự án đạt.