Thống nhất quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ

Dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ là dịch vụ công quan trọng, đặc thù do đối tượng sử dụng dịch vụ không phải là công dân, doanh nghiệp mà là công chức, viên chức nhà nước. Vì vậy, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với chữ ký số chuyên dùng công vụ là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho ý kiến khi thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sáng 30.5.

Chữ ký số chuyên dùng công vụ cần được quản lý chặt chẽ, bảo mật

Trách nhiệm cung cấp, quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ là vấn đề quan trọng liên quan đến an ninh, an toàn quốc gia và bảo vệ bí mật nhà nước. Vấn đề này đã được nhiều đại biểu Quốc hội góp ý tại Kỳ họp thứ Tư và Ban soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến này để điều chỉnh, bổ sung vào dự thảo Luật tại khoản 2, khoản 3 Điều 7 và bổ sung khoản 4, Điều 7 quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng và phát triển hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định của pháp luật. ĐBQH Đỗ Văn Yên (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc bổ sung quy định xác định trách nhiệm quản lý của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về xây dựng, phát triển hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ là phù hợp.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị, cần tách bạch trách nhiệm giữa Bộ Quốc phòng và Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với chữ ký số chuyên dùng công vụ, nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ với khoản 2 Điều 6 của Luật Cơ yếu về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong lĩnh vực cơ yếu và cụ thể hóa Nghị quyết số 56-NQ/TW Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045; Nghị định của Chính phủ về nội dung Ban Cơ yếu Chính phủ. Ý kiến này đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung quy định Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng hạ tầng, bảo đảm cung cấp dịch vụ và quản lý thống nhất hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ, bảo đảm thống nhất, phù hợp với quy định tại Điều 27 dự thảo Luật về dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.

ĐBQH Nguyễn Quốc Duyệt (TP. Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Quốc Duyệt (TP. Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Quốc Duyệt (TP. Hà Nội) nhấn mạnh, Nghị quyết số 56-NQ/TW đã xác định lực lượng cơ yếu chủ trì triển khai sản phẩm mật mã để bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước, hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phát triển, mở rộng hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ tiên tiến, hiện đại. Bản chất của chữ ký số chuyên dùng công vụ là dùng công nghệ mật mã để xác thực thông tin dữ liệu và được triển khai sử dụng trong hoạt động công vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Mặt khác, công vụ là hoạt động đặc biệt mang tính quyền lực và pháp lý, được thực thi bởi đội ngũ cán bộ, công chức được trao quyền nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong quá trình quản lý toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội. Mỗi giao dịch công vụ đều có tác động rất lớn và ảnh hưởng đến Nhân dân, đến quốc gia, lợi ích của dân tộc. Vì vậy, chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải được cung cấp, quản lý chặt chẽ, bảo mật và phải giao cho cơ quan về quốc phòng, an ninh quản lý.

Để tránh sự chồng chéo và bảo đảm tính ổn định, thống nhất của hệ thống pháp luật, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt đề nghị, cần quy định ngay trong dự thảo Luật về trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; bổ sung một khoản vào Điều 27 dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Một việc chỉ giao cho một đầu mối chịu trách nhiệm chính

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng,cần thực hiện nhất quán theo chủ trương Nghị quyết số 18 - NQ/TW ngày 25.10.2017 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Với quan điểm “một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”, đại biểu cho rằng, quy định tại Điều 7 dự thảo Luật là phù hợp, vừa bảo đảm nguyên tắc trên, vừa bảo đảm quan điểm xây dựng Luật là không làm thay đổi trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành trong các lĩnh vực.

Quản lý Nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ và quản lý Nhà nước về chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ là hai lĩnh vực riêng biệt, có đặc thù khác nhau về đối tượng, mục tiêu, phương thức quản lý hạ tầng kỹ thuật. Đưa ra lập luận này, ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cho rằng, khi quy định cơ quan quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ, cần cân nhắc kỹ lưỡng, không nhất thiết phải cứng nhắc tách bạch vấn đề quản lý nhà nước đối với chữ ký số chuyên dùng công vụ và cung cấp dịch vụ chứng thực đối với loại chữ ký số này.

ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Giải trình, làm rõ về vấn đề quản lý nhà nước đối với chữ ký số chuyên dùng công vụ quy định tại Điều 7 dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, mặc dù hết sức cầu thị, lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của ĐBQH về nội dung này, nhưng cơ quan chủ trì thẩm tra, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật giữ nguyên tắc bám sát Nghị quyết 18 -NQ/TW là “một việc chỉ giao cho một cơ quan đầu mối". Mặt khác, nếu quản lý nhà nước mà tách bạch giữa trách nhiệm của Bộ Quốc phòng và Ban Cơ yếu Chính phủ như ý kiến của nhiều đại biểu thì câu chuyện vận hành trong thực tế sẽ như thế nào? Nêu vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cho biết, theo quy định tại khoản 2, Điều 7 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, chữ ký số ký chuyên dùng công vụ không thuộc phạm vi bảo vệ bí mật nhà nước. Quản lý đối với chữ ký số chuyên dùng công vụ cũng chỉ là một phần của Chương Chữ ký điện tử, không phải là một lĩnh vực quản lý nhà nước riêng, rộng.

Vì vậy, cơ quan chủ trì thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thống nhất với quan điểm của Chính phủ, theo đó chỉ giao một đầu mối quản lý nhà nước về chữ ký điện tử và quy định tại Điều 7 dự thảo Luật theo hướng “Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử theo quy định của Luật này” và “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng và phát triển hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định của pháp luật”.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/thong-nhat-quan-ly-nha-nuoc-ve-chu-ky-so-chuyen-dung-cong-vu-i330807/