Thống nhất quy trình phòng trừ tạm thời sâu đầu đen hại dừa
Ngày 23-3, tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Sóc Trăng, đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT chủ trì cuộc họp trao đổi, đề xuất các giải pháp quản lý và phòng trừ sâu đầu đen hại dừa.
Sâu đầu đen được phát hiện đầu tiên trên địa bàn tỉnh là tại ấp Lợi Đức, xã Long Đức, huyện Long Phú (tháng 3-2021). Tính đến thời điểm này, sâu đầu đen đã xuất hiện gây hại tại các huyện: Trần Đề, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên và TP. Sóc Trăng. Hiện nay, do ảnh hưởng của nắng nóng, thích hợp cho các đối tượng sâu hại phát triển và gây hại nặng, diện tích sâu đầu đen gây hại trên cây dừa đang có xu hướng tăng. Do đó, để kịp thời ngăn chặn, phòng trừ sâu đầu đen hại dừa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã ban hành Công văn số 37/CCTTBVTV-BVTV, ngày 28-2-2022 tăng cường điều tra, rà soát tình hình sâu đầu đen trên dừa cũng như tiến hành kiểm tra, đánh giá tại các điểm mới ghi nhận có xuất hiện sâu đầu đen tại huyện, thành phố nêu trên và triển khai thử nghiệm các biện pháp phòng trừ sâu đầu đen, nhằm có giải pháp tốt nhất khuyến cáo đến hộ trồng dừa cách phòng trừ sâu…
Tại cuộc họp, đại biểu đã nghe lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề xuất một số giải pháp phòng trừ sâu đầu đen trong thời gian tới, đó là tăng cường điều tra, rà soát, khoanh vùng các khu vực có xuất hiện đối tượng sâu đầu đen gây hại; khi phát hiện diện tích nhiễm sâu đầu đen thì báo cáo kịp thời về cơ quan chuyên môn để phối hợp các biện pháp xử lý, đồng thời khuyến cáo nông dân cắt và tiêu hủy các tàu lá bị hại nhằm hạn chế mật số sâu, không để lây lan ra diện rộng; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự xuất hiện và gây hại của sâu đầu đen trên dừa nhằm thông tin kịp thời đến bà con nông dân, nhất là các khu vực có diện tích trồng dừa tập trung; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gốc sinh học để diệt sâu ở vườn có mật số cao.