Thống nhất xây dựng Nghị quyết chung về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp

Sáng 24.9, tiếp tục Phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp và đại biểu Quốc hội.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu HĐND cấp trên và cấp dưới cùng tổ chức tiếp xúc cử tri nhưng không quá 2 cấp

Trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu rõ, từ khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có hiệu lực thi hành đến nay, vẫn chưa có văn bản pháp luật nào được ban hành thay thế Nghị quyết số 753/2005/NQ–UBTVQH11 về Quy chế hoạt động của HĐND để hướng dẫn về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND.

Thực tế cũng cho thấy, yêu cầu của thời kỳ đổi mới, cử tri ngày càng nhận thức rõ hơn về quyền và trách nhiệm của mình, ngày càng quan tâm đến hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND nói chung, hoạt động tiếp xúc cử tri nói riêng. Do vậy, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp là thực sự cần thiết.

 Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp. Ảnh: Hồ Long

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp. Ảnh: Hồ Long

Dự thảo Nghị quyết gồm 6 chương, 43 điều với nhiều nội dung mới. Cụ thể về việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp HĐND, để bảo đảm việc thực hiện thống nhất đúng theo quy định của pháp luật, dự thảo Nghị quyết quy định về nội dung tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thường lệ của HĐND và các nội dung liên quan đến tiếp xúc cử tri sau kỳ họp HĐND…

Về tiếp xúc cử tri nhiều cấp, từ kết quả hoạt động thực tế của các địa phương và quy định của Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13–ĐCTUBTWMTQVN, Ban Công tác đại biểu đã quy định đại biểu HĐND cấp trên và cấp dưới cùng tổ chức tiếp xúc cử tri như đã quy định tại khoản 3, Điều 5 của dự thảo Nghị quyết nhưng không quá 2 cấp…

Tăng cường vai trò chủ động, tích cực của đại biểu Quốc hội

Trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, ngày 27.9.2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Nghị quyết liên tịch số 525/2012/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

 Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Hồ Long

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14, đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm của ĐBQH, Đoàn ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hoạt động tiếp xúc cử tri, cũng như giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri. Luật Mặt trận Tổ quốc số 75/2015/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016 cũng đã thay thế Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số 14/1999/QH10.

Ngày 20.11.2015, Quốc hội thông qua Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân số 87/2015/QH13, trong đó quy định cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực HĐND trong thực hiện hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Vì vậy, việc nghiên cứu, rà soát các quy định của Nghị quyết số 525 về việc tiếp xúc cử tri; tổ chức thực hiện tiếp xúc cử tri; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri… nhằm bảo đảm thống nhất và phù hợp với Hiến pháp và các văn bản pháp luật đã ban hành là rất cần thiết.

Khi được ban hành, Nghị quyết liên tịch sẽ là cơ sở pháp lý để ĐBQH, Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tiếp xúc cử tri; tổ chức thực hiện tiếp xúc cử tri… được thực hiện thuận lợi, chất lượng, hiệu quả, thống nhất trong phạm vi cả nước.

Dự thảo Nghị quyết gồm 7 chương, 49 điều và Phụ lục kèm theo. Dự thảo Nghị quyết liên tịch đã quy định cụ thể theo hướng tăng cường vai trò chủ động, tích cực của đại biểu Quốc hội trong tiếp xúc cử tri; gợi mở, khuyến khích cử tri bày tỏ kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng về những vấn đề mà cử tri quan tâm; thông tin đầy đủ về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, kịp thời giải đáp những vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị…

Không mở rộng đối với giải quyết kiến nghị của cử tri với đại biểu HĐND các cấp

Trình bày Báo cáo thẩm tra 2 dự thảo Nghị quyết liên tịch nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc ban hành 2 Nghị quyết nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND và đại biểu Quốc hội.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Hồ Long

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉ nên tập trung quy định về việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND, không mở rộng đối với giải quyết kiến nghị của cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Về quy định tại Khoản 1, Điều 6 của dự thảo Nghị quyết quy định cử tri có quyền “nhận xét về hoạt động của... đại biểu HĐND”, Ủy ban Pháp luật đề nghị, cân nhắc kỹ quy định này, nhất là việc bảo đảm để cử tri có đầy đủ thông tin về hoạt động, kết quả thực hiện nhiệm vụ của đại biểu HĐND làm cơ sở để đánh giá toàn diện, chính xác, khách quan, tránh tình trạng đánh giá khi không có đầy đủ thông tin, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đại biểu HĐND.

Chỉ tập trung quy định về “việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội”

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉ tập trung quy định về “việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội” và theo đó, chỉnh lý tên gọi là “Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội”.

 Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Về quy định tại Khoản 3, Điều 4, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm “Xây dựng chương trình, kế hoạch tiếp xúc cử tri hằng năm, xác định rõ thời gian, địa bàn, nội dung và hình thức tiếp xúc gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội để xây dựng chương trình, kế hoạch chung của Đoàn”.

Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc xây dựng chương trình, kế hoạch tiếp xúc cử tri hằng năm ngoài việc căn cứ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Chương trình giám sát của Quốc hội, chương trình công tác của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, thì còn phải căn cứ vào chương trình kỳ họp Quốc hội, kế hoạch hoạt động cụ thể của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội.

Trong khi đó, theo quy định, dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp thường lệ và chậm nhất là 7 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp bất thường. Hơn nữa, đối với các kỳ họp bất thường thường được quyết định đột xuất, không có kế hoạch trước để giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp bách phát sinh và nhiều trường hợp thuộc phạm vi bảo vệ bí mật nhà nước.

Do đó, đề nghị cân nhắc về tính khả thi, phù hợp với thực tiễn của quy định nêu trên, tránh tình trạng phải điều chỉnh thường xuyên.

Thể hiện ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm

Đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc tích hợp và ban hành Nghị quyết chung quy định chi tiết về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Tán thành việc ban hành Nghị quyết chung, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, Nghị quyết cần thể hiện ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm; nội dung nào chung thì quy định chung và nếu riêng thì quy định riêng. Đồng thời, Tờ trình cần thể hiện rõ những nội dung nào được kế thừa, những nội dung nào được sửa đổi, bổ sung, nội dung nào mới.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, thực tế có nhiều đối tượng để có những hình thức tiếp xúc cử tri từ Trung ương đến địa phương, kể cả là đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu hoàn thiện các báo cáo, bảo đảm sự thống nhất, tương thích.

Thống nhất trong phạm vi điều chỉnh có nội dung liên quan đến giải quyết, giám sát kiến nghị của cử tri, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần làm rõ hơn, mạch lạc hơn nội hàm của việc giải quyết kiến nghị cũng như giám sát ở nội dung của nhiệm vụ tiếp xúc cử tri với việc giải quyết giám sát, kiến nghị của cử tri theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

T. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thong-nhat-xay-dung-nghi-quyet-chung-ve-tiep-xuc-cu-tri-cua-dai-bieu-quoc-hoi-va-dai-bieu-hdnd-cac-cap-post391234.html