Thông qua 8 nghị quyết có ý nghĩa tạo nền tảng cho thành phố tiếp tục phát triển

HNN.VN - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố khóa VIII, chiều 16/7, HĐND thành phố đã thông qua 8 nghị quyết quan trọng, làm cơ sở, nền tảng cho sự phát triển của thành phố trong thời gian tới.

UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Lê Trường Lưu; UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Quang Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Văn Tuấn chủ trì phiên họp.

 Kết quả biểu quyết cho thấy, các đại biểu HĐND thành phố thống nhất cao trong việc thông qua các nghị quyết

Kết quả biểu quyết cho thấy, các đại biểu HĐND thành phố thống nhất cao trong việc thông qua các nghị quyết

Dồn lực cho dự án trọng điểm

Tại phiên họp, UBND TP. Huế đã có tờ trình đề nghị HĐND thành phố xem xét, quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021–2025, cùng kế hoạch vốn năm 2025 từ nguồn ngân sách địa phương. Tổng giá trị điều chỉnh lên tới hơn 113 tỉ đồng, trong đó đáng chú ý là khoản bổ sung 60 tỉ đồng để triển khai tái định cư, xây dựng nghĩa trang phục vụ giải phóng mặt bằng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Theo tờ trình của UBND TP. Huế, sau gần 5 năm triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, một số dự án đã hoàn thành hoặc không còn nhu cầu sử dụng vốn do chậm tiến độ. Thành phố đề xuất giảm hơn 65 tỉ đồng từ các dự án chậm triển khai, đồng thời điều chuyển hơn 59 tỉ đồng từ nguồn thu sử dụng đất sang các dự án có tính cấp bách, như phòng chống thiên tai, ổn định dân cư và cải thiện hạ tầng khu đô thị.

Trong kế hoạch vốn năm 2025, TP. Huế dự kiến điều chỉnh 48 tỉ đồng để tập trung cho các công trình có thể triển khai ngay trong năm, ưu tiên các dự án hạ tầng thiết yếu như cầu phá Tam Giang, hệ thống đê Thiệu Hóa, khu tái định cư phía Bắc Hương Sơ…

Đặc biệt, để đảm bảo tiến độ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đi qua địa bàn, TP Huế đề xuất bổ sung 60 tỉ đồng đầu tư cho 4 dự án xây dựng khu tái định cư và nghĩa trang, phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Đây là yêu cầu cấp bách nhằm đảm bảo khởi công dự án đúng theo chỉ đạo của Chính phủ trước ngày 19/8/2025.

UBND thành phố khẳng định, việc điều chỉnh này không làm thay đổi tổng mức đầu tư trung hạn đã được HĐND thông qua, mà là sự điều phối linh hoạt để nâng cao hiệu quả giải ngân và tập trung cho các nhiệm vụ trọng tâm.

Các tờ trình liên quan điều chỉnh kế hoạch đầu tư công của UBND thành phố được Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố thống nhất cao; đồng thời các đại biểu HĐND thành phố cũng đã tiến hành biểu quyết thông qua.

Đại biểu HĐND thành phố biểu quyết thông qua nghị quyết

Đại biểu HĐND thành phố biểu quyết thông qua nghị quyết

Sửa nghị quyết về đất đai để phù hợp chính quyền địa phương 2 cấp

Sau khi Huế chính thức là thành phố trực thuộc Trung ương, vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, UBND TP Huế đã trình HĐND thành phố xem xét, thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý đất đai.

Việc điều chỉnh nhằm cập nhật mô hình tổ chức mới nội dung sửa đổi tập trung vào các nghị quyết ban hành trong bối cảnh còn tổ chức cấp huyện trước đây.

Các điều chỉnh chủ yếu liên quan đến thay đổi, bỏ cụm từ, điều khoản không còn phù hợp và chuyển thẩm quyền từ cấp huyện về cấp xã, như: Cấp sổ đỏ, quản lý đất nông lâm trường, hỗ trợ đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số...

UBND thành phố khẳng định, nghị quyết sửa đổi không chỉ đáp ứng yêu cầu pháp lý trong vận hành chính quyền đô thị, mà còn góp phần tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thông suốt trong quản lý đất đai, lĩnh vực then chốt trong phát triển đô thị và ổn định đời sống người dân Huế trong giai đoạn mới.

Cũng trong khuôn khổ phiên họp, UBND TP. Huế trình dự thảo nghị quyết quy định nội dung, mức chi triển khai đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” tại địa phương.

Đây được xem là bước cụ thể hóa chính sách Trung ương, tạo cơ sở pháp lý và huy động nguồn lực phù hợp điều kiện thành phố.

Dự thảo nghị quyết do UBND thành phố trình gồm 5 điều, quy định cụ thể nhiều nội dung chi, trong đó bao gồm: Chi tuyên truyền, tổ chức Tuần lễ học tập suốt đời; chi sơ kết, tổng kết các mô hình học tập; chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên các trung tâm học tập cộng đồng; chi cho xóa mù chữ, phổ cập giáo dục (hỗ trợ học phẩm, thù lao người dạy, tài liệu dùng chung...); chi kiểm tra, đánh giá, điều tra nhu cầu học tập; chi khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích.

Tất cả các mức chi đều được xây dựng trên cơ sở Thông tư 17/2022 của Bộ Tài chính, phù hợp với năng lực cân đối ngân sách địa phương. Nguồn kinh phí thực hiện đề án chủ yếu từ ngân sách sự nghiệp giáo dục và các nguồn hợp pháp khác.

Dự thảo nghị quyết cũng đã được HĐND thành phố xem xét, thảo luận và thông qua.

Tại phiên họp, HĐND thành phố cũng đã thông qua nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2024; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri tại kỳ họp lần thứ 9; kết quả giám sát việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn thành phố Huế giai đoạn 2021-2025…

Lê Thọ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/thong-qua-8-nghi-quyet-co-y-nghia-tao-nen-tang-cho-thanh-pho-tiep-tuc-phat-trien-155707.html