Thông qua Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp tỉnh Phú Thọ

Ngày 21/4, dưới sự chủ trì của đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh để thông qua Đề án sắp xếp các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh năm 2025.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu phát biểu kết luận hội nghị

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu phát biểu kết luận hội nghị

Dự hội nghị có các đồng chí: Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phùng Khánh Tài - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh.

Hội nghị đã nghe đồng chí Nguyễn Huy Ngọc - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tờ trình thông qua Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh năm 2025; tờ trình thông qua Đề án sắp xếp các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình.

Theo đó, Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh năm 2025 nêu rõ: Tổng số ĐVHC cấp xã của tỉnh Phú Thọ hiện tại là 207 ĐVHC, trong đó có 180 xã, 15 phường, 12 thị trấn. Về phương án sắp xếp, giữ nguyên hiện trạng 2 xã đạt tiêu chuẩn về diện tích và dân số theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn và xã Trung Sơn, huyện Yên Lập.

Các đại biểu dự hội nghị

Các đại biểu dự hội nghị

Sắp xếp 205 ĐVHC cấp xã (trừ 2 xã giữ nguyên), trong đó có 178 xã, 15 phường, 12 thị trấn để thành lập 66 ĐVHC mới, gồm 7 phường và 59 xã (giảm 141 ĐVHC, bằng 68,12%). Cụ thể: Thành phố Việt Trì sắp xếp 20 ĐVHC cấp xã để thành lập 5 ĐVHC cấp xã, trong đó có 4 phường và 1 xã (giảm 15 ĐVHC); huyện Lâm Thao sắp xếp 12 ĐVHC cấp xã để thành lập 4 ĐVHC xã (giảm 8 ĐVHC); thị xã Phú Thọ sắp xếp 9 ĐVHC cấp xã để thành lập 3 ĐVHC xã, trong đó có 3 phường (giảm 6 ĐVHC); huyện Phù Ninh sắp xếp 17 ĐVHC cấp xã để thành lập 5 ĐVHC xã (giảm 12 ĐVHC); huyện Thanh Ba sắp xếp 19 ĐVHC cấp xã để thành lập 6 ĐVHC xã (giảm 13 ĐVHC); huyện Đoan Hùng sắp xếp 14 ĐVHC cấp xã để thành lập 5 ĐVHC xã (giảm 9 ĐVHC); huyện Hạ Hòa sắp xếp 20 ĐVHC cấp xã để thành lập 6 ĐVHC xã (giảm 14 ĐVHC); huyện Cẩm Khê sắp xếp 16 ĐVHC cấp xã để thành lập 6 ĐVHC xã (giảm 10 ĐVHC); huyện Tam Nông sắp xếp 12 ĐVHC cấp xã để thành lập 4 ĐVHC xã (giảm 8 ĐVHC); huyện Thanh Thủy sắp xếp 11 ĐVHC cấp xã để thành lập 3 ĐVHC xã (giảm 8 ĐVHC); huyện Thanh Sơn sắp xếp 23 ĐVHC cấp xã để thành lập 7 ĐVHC xã (giảm 16 ĐVHC); huyện Tân Sơn sắp xếp 17 ĐVHC cấp xã để thành lập 6 ĐVHC xã (giảm 11 ĐVHC); huyện Yên Lập từ 17 ĐVHC cấp xã để thành lập 6 ĐVHC xã (giảm 11 ĐVHC).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Ngọc trình bày tờ trình thông qua Đề án sắp xếp ĐVHC

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Ngọc trình bày tờ trình thông qua Đề án sắp xếp ĐVHC

Về trung tâm hành chính và trụ sở làm việc của ĐVHC cấp xã mới đảm bảo vị trí thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, giao thông kết nối với các khu vực; không gian phát triển trong tương lai; bảo đảm hài hòa, hợp lý, tránh sự mất cân đối giữa các địa phương, bảo đảm giữ vững quốc phòng - an ninh.

Về tên gọi của ĐVHC cấp xã mới, lấy tên gọi của 13 huyện, thành, thị để làm tên gọi của 13 ĐVHC cấp xã; các ĐVHC cấp xã còn lại ưu tiên lấy tên gọi của một trong ĐVHC cấp xã trước sáp nhập để làm tên gọi cho ĐVHC cấp xã mới thành lập, phù hợp với văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán, được Nhân dân đồng tình ủng hộ.

Về cơ cấu, tổ chức, biên chế của chính quyền địa phương (xã, phường) thực hiện theo quy định của Trung ương. Chấm dứt sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; sắp xếp tham gia hoạt động tại khu dân cư.

Đề án sắp xếp các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình nêu rõ, sẽ thành lập tỉnh Phú Thọ - đơn vị hành chính cấp tỉnh trực thuộc Trung ương trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số và hệ thống đơn vị hành chính cấp xã của hai tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình vào địa giới hành chính của tỉnh Phú Thọ.

Sau sáp nhập ĐVHC tỉnh Phú Thọ có diện tích tự nhiên 9.361,381km2, đạt 117,02% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số 4.022.611 người, đạt 446,96% so với tiêu chuẩn. ĐVHC trực thuộc có 32 ĐVHC cấp huyện (4 thành phố, 1 thị xã và 27 huyện); 479 ĐVHC cấp xã (42 phường, 40 thị trấn và 397 xã). Số lượng ĐVHC xã, phường dự kiến sau sáp nhập là 148 ĐVHC (133 xã và 15 phường).

Việc sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức, viên chức sau khi thành lập tỉnh Phú Thọ trên cơ sở hợp nhất các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình phải đảm bảo nguyên tắc: Tổng số CB,CC,VC không vượt quá tổng số CB,CC,VC của ba tỉnh trước khi sáp nhập. Việc tinh giản biên chế phải gắn với cơ cấu lại đội ngũ, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ, phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tổ chức, trong lộ trình 5 năm phải cơ bản hoàn tất bố trí theo đúng quy định.

Các đại biểu dự hội nghị

Các đại biểu dự hội nghị

Tại hội nghị, 100% các đại biểu biểu quyết thống nhất thông qua 2 đề án trên.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu khẳng định: Việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương hai cấp là chủ trương đúng. Việc tổ chức mô hình địa phương 2 cấp, đảm bảo tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Tuy khối lượng công việc lớn, thời gian ngắn song việc xây dựng các đề án được thực hiện theo đúng tinh thần Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Các đề án đã cụ thể phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và giải quyết chế độ, chính sách khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và sắp xếp các ĐVHC cấp xã năm 2025 của tỉnh Phú Thọ; phương án và lộ trình sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp.

Đồng chí Bùi Minh Châu cũng nhấn mạnh đến việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần phải phù hợp với vị trí việc làm. Việc sử dụng các trụ sở của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Việt Trì và các tỉnh theo hướng bố trí khu vực và bố trí bộ máy phù hợp ở từng khu vực để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc của các địa phương.

Đồng chí yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy UBND lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh hoàn thiện 2 Đề án, hướng dẫn các huyện, thành phố tổ chức lấy ý kiến cử tri, tổng hợp trình HĐND tỉnh thông qua, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ theo quy định. Rà soát tổng thể các trụ sở, cơ sở vật chất của các cơ quan hành chính các cấp để có phương án xử lý, bố trí phù hợp, không để lãng phí.

Giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình xây dựng phương án nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Trưởng các cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND, HĐND cấp tỉnh theo kết luận của cấp có thẩm quyền. Phối hợp với Ban Thường vụ các huyện, thành, thị xây dựng phương án nhân sự chủ chốt cấp xã sau khi thành lập xã mới đảm bảo chặt chẽ, dân chủ, khách quan, minh bạch, công bằng, công tâm, đúng quy định của Đảng, Nhà nước.

Thương - Thanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/thong-qua-de-an-sap-xep-to-chuc-lai-don-vi-hanh-chinh-cac-cap-tinh-phu-tho-231440.htm