Thông qua Dự thảo Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng 2030
Ngày 28/5, UBND tỉnh Hậu Giang đã họp thông qua Dự thảo Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, việc thực hiện Đề án nhằm mục tiêu chính là kiểm soát ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn nông nghiệp; nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý bao bì gói thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; nhất là nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý rác thải trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Theo đại diện Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, đơn vị tư vấn Đề án, mục tiêu cụ thể của Đề án là giai đoạn 2021- 2025 sẽ có 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị của Hậu Giang được thu gom và xử lý đảm bảo theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; phấn đấu 60% hộ gia đình ở các đô thị lớn như thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ... thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; 80% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Đề án đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ che phủ cây xanh ở các tuyến đường giao thông tại đô thị và nông thôn; 100% tuyến đường xã, liên xã được trồng cây xanh; cải tạo cảnh quan môi trường trụ sở, cơ quan, trường học, công viên, nơi công cộng; nâng cao tỷ lệ thu gom, quản lý và xử lý bao bì gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; phấn đấu 50% bao bì gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý đúng quy định.
Theo Đề án, đến năm 2030, Hậu Giang phấn đấu 100% lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; duy trì và mở rộng thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh.
100% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. 100 % bao bì gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý đúng quy định.
Tổng kinh phí thực hiện Đề án dự kiến khoảng 110 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh đóng góp hơn 60 tỷ đồng và đề nghị Trung ương hỗ trợ 50 tỷ đồng.
Tại tỉnh Hậu Giang, theo kết quả điều tra năm 2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường, khối lượng bao bì gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phát sinh trung bình do hoạt động trồng lúa là gần 1kg/ha/năm; hoạt động trồng cây hàng năm khác là 0,72 kg/ha/năm và trồng cây lâu năm là 0,4 kg/ha/năm.
Dự kiến diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn ổn định, duy trì đến năm 2030 với diện tích đất trồng lúa hơn 77.000 ha, đất trồng cây hàng năm khác là hơn 15.000 ha, đất trồng cây lâu năm là hơn 33.000 ha...; lượng bao bì gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phát sinh là gần 100 tấn/năm.
Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, lượng chất thải rắn đang tăng theo thời gian. Dự báo đến năm 2025, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh là gần 600 tấn/ngày. Trong khi đó, tỷ lệ thu gom hiện tại còn hạn chế, chỉ đạt 83% ở đô thị và 19% ở nông thôn.
Theo thống kê của các địa phương trên địa bàn tỉnh, những tháng đầu năm 2020, có 60% số hộ xử lý chất thải chăn nuôi thủy sản trong ao, mương hợp vệ sinh môi trường, theo tiêu chí nông thôn mới; 40% số hộ xử lý chất thải chăn nuôi thủy sản trên kênh, rạch hợp vệ sinh môi trường./.