Thông qua Luật miễn trừ quốc gia nước ngoài: thông điệp 'có đi có lại' của Trung Quốc

Cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc cho biết, việc thông qua luật miễn trừ quốc gia nước ngoài là một bước quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, đồng thời cũng là thành tựu mới nhất trong việc làm phong phú bộ công cụ lập pháp về các vấn đề đối ngoại.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo truyền thông Trung Quốc, Luật Miễn trừ Quốc gia nước ngoài được được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (NPC), cơ quan lập pháp hàng đầu của đất nước, thông qua vào ngày 1/9 khi kết thúc phiên họp và sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2024.

Quyền miễn trừ quốc gia (state immunity/sovereign immunity) là quyền bảo đảm cho một quốc gia không phải chịu sự điều chỉnh của thẩm quyền của một quốc gia khác, bao gồm cả thẩm quyền lập pháp, hành pháp hay tư pháp.

Quyền miễn trừ quốc gia tồn tại trong tập quán quốc tế, ràng buộc tất cả các quốc gia. Quyền miễn trừ của quốc gia trong tư pháp quốc tế gồm quyền miễn trừ tư pháp và quyền miễn trừ đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của quốc gia.

Quyền miễn trừ quốc gia, cũng như quyền miễn trừ ngoại giao, lãnh sự, xuất phát từ nguyên tắc bình đẳng chủ quyền – một trong các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế.

“Luật này dựa trên điều kiện quốc gia và nhu cầu thực tế của Trung Quốc, đồng thời quá trình xây dựng luật này cũng được tham khảo từ các điều ước quốc tế có liên quan và thông lệ quốc tế chung”, Ủy ban Lập pháp của Ủy ban Thường vụ (NPC) cho biết trong một tuyên bố.

NPC cũng chỉ ra rằng luật này nhằm phục vụ quá trình mở cửa cấp cao của Trung Quốc, thúc đẩy việc xây dựng Sáng kiến Vành đai và Con đường và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp Trung Quốc.

Động thái này được coi là “sự điều chỉnh cần thiết” đối với chính sách miễn trừ chủ quyền của Trung Quốc, một quan chức của NPC chia sẻ với Tân Hoa Xã, đồng thời nói thêm rằng luật mới sẽ giúp bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân Trung Quốc, đồng thời bảo vệ quyền lợi về chủ quyền, an ninh và phát triển của Trung Quốc.

Quan chức này cho biết, luật mới cũng sẽ bịt các lỗ hổng pháp lý và đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đối ngoại của Trung Quốc.

Luật gồm 23 điều, làm rõ rằng chính sách miễn trừ của nhà nước nước ngoài của Trung Quốc là quyền miễn trừ hạn chế, nêu rõ rằng về nguyên tắc, các tòa án Trung Quốc không thực thi quyền tài phán đối với các quốc gia nước ngoài và tài sản của họ.

Luật viết: “Trừ khi luật này có quy định khác, các quốc gia nước ngoài và tài sản của họ sẽ được miễn trừ khỏi quyền tài phán của tòa án Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

Trong đó cũng quy định một số trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như các vụ kiện phát sinh từ hoạt động thương mại hoặc việc thực hiện hợp đồng lao động.

Ủy ban Thường vụ cho biết: “Nhìn chung, các điều khoản liên quan đến các trường hợp mà tòa án của chúng tôi có thể thực thi quyền tài phán đối với các quốc gia nước ngoài và tài sản của họ tương đối nghiêm ngặt và cụ thể”.

Theo đó, Luật miễn trừ quốc gia của Trung Quốc nhấn mạnh rằng luật pháp duy trì sự bình đẳng về chủ quyền và thúc đẩy trao đổi hữu nghị với các quốc gia khác, chỉ rõ: “Hệ thống miễn trừ quốc gia nước ngoài của Trung Quốc về cơ bản khác với hệ thống của một số quốc gia cố tình mở rộng quyền tài phán hoặc tham gia vào cái gọi là quyền tài phán dài hạn”.

"Có đi có lại" là một nguyên tắc quan trọng được nêu rõ trong luật, vì nó nhằm đảm bảo sự đối xử bình đẳng hoặc không phân biệt đối xử giữa các quốc gia ở một khía cạnh nhất định, cũng như thực hiện sự tôn trọng và lợi ích lẫn nhau giữa các quốc gia.

“Nhưng trong trường hợp một quốc gia nước ngoài tước bỏ, hạn chế hoặc giảm bớt quyền miễn trừ dành cho Trung Quốc, chúng tôi có quyền thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết, chẳng hạn như điều chỉnh quyền tài phán của chúng tôi đối với các vụ án dân sự liên quan đến nhà nước và tài sản của họ, để bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia của chúng tôi”, trích luật miễn trừ quốc gia mới được ban hành.

Để đối phó với những thách thức và đề phòng rủi ro trong vài năm qua, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực xây dựng các luật liên quan đến đối ngoại.

Ví dụ, vào ngày 28/6, Ủy ban Thường vụ NPC đã thông qua Luật Quan hệ Đối ngoại, cho thấy lợi ích cốt lõi của Trung Quốc không cho phép xâm phạm và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước này không được phép vi phạm. Luật đã có hiệu lực vào ngày 1/7 vừa qua.

Trước đó, hồi tháng 6/2021, nước này cũng đã có luật chống lại các biện pháp trừng phạt của nước ngoài, có hiệu lực ngay sau khi được NPC thông qua.

Minh Ý

Theo China Daily, Xinhua

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/thong-qua-luat-mien-tru-quoc-gia-nuoc-ngoai-thong-diep-co-di-co-lai-cua-trung-quoc-20180504224288405.htm