Thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi)

Sáng 14.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) với 459/471 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, chiếm tỷ lệ 92,17% tổng số đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Hoàn thiện quy định về tiêu chí, điều kiện thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ

Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ (Điều 18); thành lập cơ quan thanh tra tại các đơn vị ngành dọc thuộc Tổng cục ở địa phương, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc thành lập cơ quan thanh tra tại Tổng cục, Cục vì làm phát sinh tổ chức bộ máy, biên chế, kinh phí hoạt động, không phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành thì tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ không thành lập tổ chức thanh tra chuyên ngành độc lập, nhưng để đáp ứng yêu cầu quản lý thì Luật Thanh tra cho phép Chính phủ xem xét giao một số cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Trên thực tế, tại các cơ quan này đã thành lập các đơn vị có nhiệm vụ tham mưu về công tác thanh tra và thực hiện nhiệm vụ thanh tra; công chức tại các đơn vị đó vừa làm công tác thanh tra, vừa đồng thời thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác.

Qua tổng kết thi hành Luật cho thấy, ở một số nơi, tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành như trên đã bộc lộ bất cập, hạn chế. Bên cạnh đó, từ sau khi Luật Thanh tra năm 2010 được ban hành đến nay, để đáp ứng yêu cầu quản lý, một số luật đã quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ. Do đó, trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Chính phủ đề nghị thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ để có cơ sở sắp xếp, kiện toàn một bước tổ chức bộ máy làm công tác thanh tra chuyên ngành theo hướng tăng cường tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Quá trình xem xét, cho ý kiến về dự án Luật, các vị đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và cơ quan, tổ chức hữu quan đều cơ bản nhất trí định hướng đổi mới này. Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thực hiện trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị và đội ngũ công chức hiện có đang làm nhiệm vụ thanh tra nên không làm tăng tổng số đơn vị trực thuộc và biên chế của các Tổng cục, Cục, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là “Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý, hoàn thiện quy định về tiêu chí, điều kiện thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ tại khoản 2 Điều 18 của dự thảo Luật. Theo đó, ngoài trường hợp được luật quy định và theo yêu cầu của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, để bảo đảm chặt chẽ, trong khoản này đã bổ sung quy định “Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ”. Theo các tiêu chí và quy định này thì không phải Tổng cục, Cục nào ở trung ương cũng có cơ quan thanh tra chuyên ngành. Đối với những nơi đã được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nhưng không đáp ứng đủ điều kiện hoặc chưa được Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành thì tiếp tục tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo quy định của Chính phủ.

Bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với pháp luật về ngân sách nhà nước

Về kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra (Điều 112), Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định cơ quan thanh tra được trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra, bảo đảm phù hợp với pháp luật về ngân sách nhà nước và yêu cầu cải cách tiền lương trong thời gian tới; có ý kiến đề nghị quy định cụ thể tỷ lệ trích trong dự thảo Luật hoặc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: Lâm Hiển

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: Lâm Hiển

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, căn cứ thẩm quyền được giao theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành và yêu cầu thực tiễn, để bảo đảm đồng bộ về chế độ, chính sách với một số cơ quan có nhiệm vụ tương đồng, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định “các cơ quan thanh tra nhà nước được trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra thực nộp vào ngân sách nhà nước để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra” (Điều 72). Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 327/2016/TT-BTC quy định cụ thể phạm vi các khoản được trích, mức trích (theo nguyên tắc mức thu được càng cao thì phần trăm được trích lại càng thấp) và việc sử dụng kinh phí, thủ tục dự toán, quyết toán. Thực tiễn thực hiện thời gian qua cho thấy quy định này đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan thanh tra. Do vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này trong dự thảo Luật.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, khoản 3 Điều 112 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với pháp luật về ngân sách nhà nước. Căn cứ quy định của Luật, trên cơ sở Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quy định mức trích phù hợp cho từng giai đoạn, nguyên tắc quản lý, sử dụng khoản kinh phí này và thời hạn thực hiện chỉ đến khi thực hiện cải cách tiền lương.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/thong-qua-luat-thanh-tra-sua-doi--i307748/