Thông qua nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa biểu quyết thông qua nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính.

Chiều 14-4, tiếp tục phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính (thay thế Nghị quyết số 35/2023 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030).

Tại phiên họp, các đại biểu nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính.

Dự thảo nghị quyết quy định về việc sắp xếp các tỉnh, thành phố (cấp tỉnh) và sắp xếp xã, phường, thị trấn (cấp xã) trong năm 2025 theo các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh là việc nhập tỉnh với tỉnh để hình thành tỉnh mới hoặc nhập tỉnh với thành phố trực thuộc trung ương để hình thành thành phố trực thuộc trung ương mới theo định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc này để giảm số lượng, tăng quy mô đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp xã để giảm số lượng theo tỉ lệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm quy mô phù hợp, đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương cấp xã gần dân, sát dân, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Trường hợp sắp xếp phường với các đơn vị hành chính cùng cấp thì đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp là phường; trường hợp sắp xếp xã, thị trấn thì đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp là xã.

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: PHẠM THẮNG

Dự thảo cũng quy định các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính là đơn vị có vị trí biệt lập hoặc có vị trí đặc biệt quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp, dự thảo nêu rõ đơn vị cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của đơn vị hành chính tương ứng theo quy định tại nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Trường hợp sắp xếp tỉnh đã được định hướng thành thành phố trực thuộc trung ương thì tỉnh hình thành sau sắp xếp cần cơ bản đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thành phố trực thuộc trung ương.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thong-qua-nghi-quyet-ve-viec-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-post844319.html