Thông qua Nghị quyết về xử lý một số vấn đề khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước
Sáng 19/2, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động liên tục, thông suốt
Sáng 19/2, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước
Kết quả biểu quyết cho thấy, có 456/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,4%). Như vậy Quốc hội đã thông qua Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, với đa số phiếu tán thành, gồm 15 Điều, quy định việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, bao gồm: Nguyên tắc xử lý; việc thay đổi tên gọi của cơ quan, tổ chức, đơn vị (sau đây gọi chung là cơ quan), chức danh có thẩm quyền; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, của điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và việc xử lý một số vấn đề khác khi thực hiện sắp xếp.
Nghị quyết quy định rõ nguyên tắc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, đó là bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp và bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan; không để gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, bảo đảm không làm gián đoạn việc thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các cam kết quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận thông tin, thực hiện các quyền, nghĩa vụ và các thủ tục theo quy định của pháp luật.
Nội dung của Nghị quyết cũng quy định cụ thể về tên gọi và việc sử dụng con dấu của cơ quan, chức danh có thẩm quyền; thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền; thực hiện thủ tục hành chính; hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án; thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành, cấp; trách nhiệm công khai thông tin và hướng dẫn thực hiện; giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Đôn đốc, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan
Về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền, nghị quyết quy định: Khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật được tiếp tục thực hiện bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết
Trường hợp khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vị trí, mô hình, cơ cấu tổ chức của cơ quan sau sắp xếp có thay đổi thì cơ quan, người có thẩm quyền được ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan hình thành sau sắp xếp khác với quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên đã ban hành trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước nhưng phải bảo đảm phù hợp với phương án sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định của pháp luật thì chậm nhất là 5 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan phải theo đúng quy định.
Cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục thực hiện các công việc, thủ tục đang được các cơ quan thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp thực hiện. Trường hợp các công việc, thủ tục đang thực hiện hoặc đã hoàn thành trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước nhưng phát sinh vấn đề liên quan cần giải quyết sau khi sắp xếp thì cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với cơ quan liên quan để giải quyết các vấn đề phát sinh đó.
Việc giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra đối với cơ quan được hình thành hoặc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm tính tiếp nối, không bỏ trống hoặc trùng lặp về phạm vi thẩm quyền giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan chịu sự giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu, đa số ý kiến đề nghị quy định Nghị quyết này có hiệu lực kể từ thời điểm được Quốc hội thông qua. Có ý kiến cho rằng, quy định Nghị quyết chỉ có hiệu lực đến hết ngày 28/2/2027 là chưa thật sự hợp lý do khối lượng công việc cần thực hiện là rất lớn.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý thời điểm có hiệu lực thi hành của dự thảo Nghị quyết là từ ngày được Quốc hội thông qua để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan thực hiện công tác sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và đi vào hoạt động.
Việc quy định thời hạn áp dụng của Nghị quyết đến hết ngày 28/2/2027 là để có cơ sở đôn đốc, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Trước khi kết thúc thời hạn nêu trên, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc có kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết hay không căn cứ vào tình hình thực tế và báo cáo, đề xuất của Chính phủ để bảo đảm xử lý triệt để các vấn đề phát sinh liên quan tới công tác sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị không quy định việc sắp xếp số lượng cấp phó trong Nghị quyết này mà giao Chính phủ quy định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay, số lượng cấp phó của người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức đang được quy định cụ thể tại nhiều luật, nghị quyết và cả các văn bản dưới luật. Khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, nhất là trường hợp sáp nhập, hợp nhất các cơ quan, thì số lượng người giữ vị trí cấp phó của người đứng đầu trong các cơ quan có thể sẽ cao hơn so với quy định. Do đó, trong Nghị quyết này cần có quy định về số lượng cấp phó của người đứng đầu để có cơ sở cho việc tổ chức thực hiện.