Trách nhiệm thuộc về ai?
Công an thành phố Huế vừa phá hai đường dây, bắt giữ 3 người mua bán trái phép hơn 56 triệu thông tin dữ liệu cá nhân (DLCN), thu lợi bất chính hàng tỷ đồng. Vụ việc trên khiến nhiều người đặt câu hỏi, mặc dù đã có nhiều quy định, nhất là Nghị định số 13/2023/ NĐ-CP về Bảo vệ DLCN, song nạn buôn bán trái phép vẫn gia tăng hằng năm, đâu là nguyên nhân và ai là người chịu trách nhiệm?

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Thực tế từ sau đại dịch Covid-19, việc cung cấp thông tin online trở nên phổ biến.
Trong khi thông tin thu thập dễ dàng nhưng lại không kèm theo biện pháp bảo vệ đủ mạnh đã khiến nạn lộ DLCN gia tăng. Trầm trọng hơn, theo kết quả khảo sát sơ bộ với 1.108 người dùng mạng xã hội Facebook tại Việt Nam của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông vào năm 2024, có đến 61% không quan tâm đến DLCN bị khai thác.
Đây là con số đáng quan ngại về ý thức tự bảo vệ mình trên môi trường số của người dùng. Ngoài ra, xét tổng thể dù hiện tại văn bản luật liên quan đến bảo vệ DLCN nhiều song chưa có sự thống nhất, tương thích trên nhiều phương diện kèm theo chế tài chưa đủ mạnh, góp phần làm nền tảng trực tuyến, mạng xã hội trở thành "mảnh đất màu mỡ" để các đối tượng khai thác, trục lợi.
Bảo vệ DLCN không chỉ là quyền riêng tư mà còn là yếu tố quan trọng để bảo vệ sự an toàn, bảo mật cho mỗi người. Điều cần làm ngay lúc này là trong khi chờ đợi Luật Dữ liệu 2024, có hiệu lực từ ngày 1-7-2025 thì mỗi người nên tự trang bị kỹ năng bảo vệ mình trước những rủi ro trên môi trường số.
Cùng các biện pháp xử phạt mạnh, về lâu dài, bảo vệ DLCN nên lồng ghép vào chương trình học kỹ năng cơ bản cho học sinh. Đây cũng là giải pháp hữu ích để nâng cao sức đề kháng của cộng đồng khi hoạt động trên môi trường số.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/trach-nhiem-thuoc-ve-ai-816523