Thông qua Quy hoạch chung xây dựng thành phố Sơn La đến năm 2045

Kỳ họp Chuyên đề thứ 6, HĐND tỉnh Sơn La, Khóa XV vừa ban hành Nghị quyết số 82/NQ-HĐND về việc Thông qua Quy hoạch chung xây dựng thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đến năm 2045.

Một góc Thành phố Sơn La hôm nay

Một góc Thành phố Sơn La hôm nay

Trong đó, nêu rõ phạm vi, ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch, gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Sơn La hiện nay (7 phường và 5 xã) và khu vực dự kiến mở rộng thuộc 4 xã Chiềng Mung, Chiềng Ban, Hát Lót và Mường Bon của huyện Mai Sơn. Quy mô lập quy hoạch, khoảng 37.592ha, trong đó có 32.356 ha đất tự nhiên của thành phố Sơn La và khoảng 5.236 ha đất mở rộng về phía Đông Nam thuộc địa giới hành chính của huyện Mai Sơn. Quy mô dân số toàn thành phố dự báo đến năm 2025 khoảng 160.000 người, đến năm 2045 khoảng 274.000 người.

Nghị quyết còn nêu, phát triển kinh tế thành phố Sơn La hướng tới 3 vùng mục tiêu, gồm: Vùng mục tiêu 1 - tiểu vùng kinh tế Tây Bắc và tỉnh Sơn La; Vùng mục tiêu 2 - Liên kết mở rộng với vùng Thủ đô; Vùng mục tiêu 3 - vùng quốc tế.

Trên cơ sở đánh giá quỹ đất và khả năng phát triển, hướng phát triển đô thị Thành phố chủ yếu bám theo các tuyến giao thông đối ngoại, gồm: Quốc lộ 6, Sơn La - Hát Lót; Cao tốc Sơn La - Hòa Bình; Quốc lộ 279. Vùng phát triển mở rộng đô thị: Chủ yếu về phía Đông Nam (khu vực Chiềng Sinh, thành phố Sơn La và các xã Chiềng Mung, Hát Lót, tiểu khu Tiền Phong của huyện Mai Sơn) và phía Đông Bắc (khu đô thị Chiềng Ngần).

Quy hoạch Thành phố giai đoạn 2020-2045, mô hình phát triển đô thị được áp dụng là sự kế thừa các thành tựu đã đạt được của mô hình phát triển đô thị giai đoạn 2005-2020. Theo đó, mô hình đô thị sẽ phát triển từ mô hình tuyến tính dọc quốc lộ 6 có phân tán trung tâm chuyên ngành sang mô hình đa cực có phân tầng hệ thống trung tâm chuyên ngành. Hình thành 3 trung tâm ngang hàng, gồm: Trung tâm lịch sử, trung tâm kinh tế vùng, trung tâm đầu mối giao thông vùng đóng vai trò nâng tầm vị thế của đô thị Sơn La. Đồng thời, hình thành trục xương sống của đô thị tạo điểm tựa để phân tán các chức năng phụ trợ cho các khu vực lân cận. Mô hình này, cho phép giữ lại những không gian “bản sắc” vốn có của Sơn La trong lòng đô thị phát triển.

Quỳnh Ngọc

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/thong-qua-quy-hoach-chung-xay-dung-thanh-pho-son-la-den-nam-2045-50251