Thông qua Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 29.3, tại Kỳ họp thứ 15 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND TP. Hà Nội Khóa XVI đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân

Trình bày Tờ trình của UBND TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Minh Hải cho biết, nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7.3.2022. UBND thành phố đã giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội là cơ quan lập Quy hoạch tổ chức triển khai lập Quy hoạch Thủ đô theo quy định của pháp luật về quy hoạch tại Quyết định số 1138/QĐ-UBND ngày 4.4.2022.

UBND thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tiểu Ban Chỉ đạo để chỉ đạo, điều hành trong quá trình lập Quy hoạch Thủ đô; ban hành các Kế hoạch triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô... Đồng thời, UBND thành phố đã chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch xây dựng Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô, báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố và đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Khóa XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025).

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải trình bày Tờ trình tại kỳ họp

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải trình bày Tờ trình tại kỳ họp

Bên cạnh đó, thành phố đã chủ trì và chỉ đạo tổ chức hơn 100 cuộc hội thảo, hội nghị, làm việc triển khai công tác lập quy hoạch Thủ đô. Trong quá trình lập Quy hoạch, thành phố đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị đồng hành trên địa bàn, cộng đồng dân cư gợi ý đối với các nội dung lập Quy hoạch Thủ đô nói riêng, phát triển Thủ đô nói chung.

Ngoài ra, cơ quan lập Quy hoạch đã tổ chức lựa chọn Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô là các cơ quan nghiên cứu, trường đại học hàng đầu trong cả nước ở nhiều lĩnh vực quan trọng, trong đó Trường Đại học Kinh tế quốc dân là đơn vị đứng đầu liên danh. Thành phố đã chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch tổ chức khảo sát, học tập kinh nghiệm, trao đổi, thống nhất các nội dung với các tỉnh, thành phố và cơ quan tư vấn lập Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng để cập nhật các nội dung hợp tác vùng vào Quy hoạch Thủ đô, bảo đảm tính thứ bậc trong quy hoạch theo quy định, nhất là việc khớp nối hạ tầng giao thông; đã tiến hành lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành lân cận, các sở, ban, ngành, quận, huyện thị xã và cộng đồng dân cư.

Căn cứ quy định của pháp luật về quy hoạch và căn cứ yêu cầu thực tiễn triển khai việc trình xin ý kiến các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo, thông qua Quy hoạch Thủ đô cần tiến hành khẩn trương, thực hiện đồng thời các bước cùng với quá trình bổ sung, hoàn thiện nội dung Quy hoạch. Cụ thể, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố trình hồ sơ Quy hoạch để Thành ủy báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị vào thời gian đầu tháng 4.2024.

UBND thành phố hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi có ý kiến của Quốc hội theo quy định tại Điều 34 Luật Quy hoạch năm 2017.

Làm rõ vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình phát triển

Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Đoàn Việt Cường nhấn mạnh, việc UBND thành phố trình thông qua Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đúng quy định, làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Qua thẩm tra, Ban Đô thị cơ bản thống nhất nội dung Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, đề nghị UBND thành phố báo cáo làm rõ thêm và tiếp tục hoàn thiện để trình Thủ tướng.

Cụ thể, Thủ đô Hà Nội có vị thế, vai trò rất quan trọng trong vùng Thủ đô cũng như cả nước. Do vậy, cần làm nổi bật hơn vị trí, đặc điểm của Thủ đô Hà Nội trong vùng Thủ đô, đánh giá kỹ hơn việc thực hiện chức năng vùng của TP. Hà Nội; làm rõ vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình phát triển của Thủ đô Hà Nội đối với vùng đồng bằng sông Hồng cùng cả nước.

Về một số vấn đề cụ thể cần quan tâm, Phó trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố nhấn mạnh đến công tác rà soát, đánh giá cụ thể các tồn tại, hạn chế để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt, từ đó có giải pháp hiệu quả, giải quyết phù hợp. Đặc biệt, là việc thiếu thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ; hạ tầng còn thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng giao thông công cộng chậm phát triển, nhất là đường sắt đô thị; hạ tầng thu gom, xử lý rác thải, xử lý nước thải còn thiếu và yếu; ô nhiễm môi trường…

Thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển của thành phố sau khi quy hoạch được thông qua. Một số đại biểu đề nghị thành phố chú trọng vào quy hoạch giao thông vận tải để xứng đáng với quy mô Thủ đô, lấy sông Hồng làm trung tâm của quy hoạch; quy hoạch đường bộ theo hướng ô bàn cờ; xử lý tốt nước thải để làm sống lại các dòng sông cổ... Một số ý kiến cũng đề nghị cần có đánh giá đầy đủ về thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt; kế thừa và phát triển vào quy hoạch mới này thế nào. Đáng chú ý, có ý kiến đề xuất cần quan tâm đến niên độ quy hoạch, làm cơ sở quan trọng để các cấp ủy lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội...

Sau khi thảo luận, HĐND TP. Hà Nội Khóa XVI đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Nghị quyết được thông qua, HĐND thành phố giao UBND thành phố tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ban Đô thị HĐND thành phố và ý kiến của đại biểu để hoàn thiện nội dung của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình cấp có thẩm quyền báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy (tháng 5.2024) và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật. Giao thường trực, các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND thành phố và đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Phi Long

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-dong/thong-qua-quy-hoach-thu-do-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050-i364650/