Thông thoáng, minh bạch thu hút đầu tư
Muốn khai thác tiềm năng, lợi thế; biến tiềm năng thành giá trị kinh tế hiện thực, thúc đẩy GRDP phát triển, tỉnh đã ban hành nghị quyết, các chương trình hành động, cùng với đó là các giải pháp ngắn và dài hạn để tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các thành phần kinh tế nghiên cứu, khảo sát, lập dự án làm ăn lâu dài. Nhờ vậy, đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh có trên 1.300 doanh nghiệp lớn nhỏ đầu tư vào nhiều lĩnh vực, với tổng vốn đăng ký trên 32,1 nghìn tỷ đồng và 967 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký hoạt động tại địa phương. Đặc biệt, 9 tháng đầu năm có 123 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số vốn đăng ký trên 759 tỷ đồng, đạt 111,8% so với kế hoạch.
Với doanh nghiệp, doanh nhân, chỉ khi nhận thấy môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thuận lợi, an toàn thì họ mới tìm đến. Ngược lại, nếu quy trình cấp phép, đầu tư gặp khó khăn, thủ tục hành chính rườm rà, lòng vòng theo kiểu “một cửa nhưng nhiều khóa”, “trên rải thảm, dưới rải đinh”... thì họ sẽ rút lui.
Thực tế cho thấy, việc cải cách hành chính, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thể hiện qua bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của Điện Biên tăng 31 bậc so với năm 2022, xếp thứ 31 trong bảng xếp hạng toàn quốc. Trước đó (năm 2022) chỉ số PCI của Điện Biên đứng thứ 63 các tỉnh, thành phố trong toàn quốc.
Chỉ số PCI tăng cao trong năm 2023 thể hiện việc chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, các sở, ngành liên quan đã có nhiều thay đổi, theo hướng thông thoáng, minh bạch, có lợi cho doanh nghiệp và người dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp sẵn sàng chung tay, lắng nghe doanh nghiệp nói và tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư. Quan điểm của chính quyền các cấp, các sở ngành coi doanh nghiệp như “chim mồi”, sẵn sàng “lót ổ đón đại bàng”. Doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với tỉnh, tức mang tiền của đến đầu tư cho tỉnh, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, người dân địa phương có thêm việc làm, tăng thu nhập; hạ tầng cơ sở ngày càng khang trang...
Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là điều kiện then chốt để khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Do vậy, tỉnh Điện Biên quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ; Nghị quyết số 12/NQ-TU ngày 29/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.
Tinh thần chung là chính quyền các cấp, các sở, ngành liên quan nêu cao tinh thần, thái độ thực thi công vụ, cung cấp đầy đủ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Không ngừng đổi mới, nâng cao công tác chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh chuyển đổi số trong phục vụ, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; xây dựng môi trường hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hiệu quả, thân thiện và bình đẳng.
Tỉnh cũng đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong cải cách hành chính năm 2024. Đó là tập trung cải thiện một số chỉ tiêu, chỉ số thành phần có điểm số giảm so với năm trước và chỉ tiêu có cải thiện nhưng ở mức thấp hoặc bị giảm bậc trên bảng xếp hạng, phấn đấu nâng cao điểm số và cải thiện ít nhất 2 - 3 bậc, xếp nhóm 25 - 30 trong bảng xếp hạng PCI toàn quốc.
Mục tiêu đề ra rất rõ ràng. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, tỉnh cần tập trung thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; triển khai thực hiện có hiệu quả Luật và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó, tập trung cải cách, đổi mới, hoàn thiện thể chế, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính. Từng ngành, từng địa phương cần xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, sát thực tế để cải thiện mạnh mẽ chất lượng, hiệu quả các chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhất là những chỉ số có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân như: Tính minh bạch, Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Chỉ số đào tạo lao động và Thiết chế pháp lý...