Thông tin bỏ hộ khẩu ngay là không chính xác

Trước những băn khoăn của dư luận xung quanh việc xóa bỏ sổ hộ khẩu thu hút sự chú ý của dư luận, Bộ Công an đã tổ chức họp báo để giải đáp những băn khoăn xung quanh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân.

Tại buổi họp báo, theo Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an): Hiện nay, việc quản lý dân cư (QLDC) do nhiều Bộ, ngành cùng thực hiện để phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước (QLNN).

Để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân trong từng ngành, lĩnh vực, các cơ quan QLNN đều cấp cho công dân một loại giấy tờ. Chính vì thế, công dân có thể sở hữu nhiều loại giấy tờ với những con số khác nhau: Giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe các loại, chứng chỉ…

Trung tướng Trần Văn Vệ phát biểu tại buổi họp báo.

Trung tướng Trần Văn Vệ phát biểu tại buổi họp báo.

Tuy nhiên công tác QLDC chủ yếu thực hiện theo hình thức thủ công, do vậy, thông tin về dân cư chủ yếu mới phục vụ cho mục tiêu quản lý của ngành, lĩnh vực, chưa kết nối, chia sẻ và khai thác để dùng chung. Đồng thời, khi tiến hành giải quyết TTHC, công dân cũng phải xuất trình nhiều loại giấy tờ để chứng minh nhân nhân, gây phiền hà và lãng phí.

Để khắc phụ tình trạng trên, giữa năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 896 về việc phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu (CSDL) liên quan đến QLDC giai đoạn 2013 – 2020. Đến năm 2014, Quốc hội đã ban hành Luật Căn cước công dân (có hiệu lực từ 1/1/2016) giao Bộ Công an tổ chức triển khai xây dựng CSDL quốc gia về dân cư, tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ QLNN và giao dịch của cơ quan, tổ chức cá nhân.

CSDL quốc gia về dân cứ có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Thông qua việc tổ chức thu thập, cập nhật những thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo nên một hệ CSDL về dân cư tập trung, thống nhất để phục vụ công tác QLNN, hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an sinh xã hội.

Trung tướng Trần Văn Vệ khẳng định: Như vậy, CSDL quốc gia về dân cư ra đời làm thay đổi hình thức quản lý dân cư từ thủ công sang điện tử. Qua đó, tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động QLNN về dân cư theo hướng hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Việc đề xuất đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú và cấp chứng minh nhân dân sẽ phụ thuộc vào tiến độ khai thác dự án CSDL quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Nếu được đảm bảo đầy đủ kinh phí, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực… với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Bộ Công an, các Bộ, ngành, địa phương và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thì dự án sẽ hoàn thành trong thời gian 2 năm đến 3 năm.

Sau khi dự án được hoàn thành, hình thức quản lý dân cư sẽ thay đổi từ thủ công sang điện tử. Thông tin cơ bản về công dân đã được thu thập và quản lý đầy đủ, chặt chẽ trên hệ thống, trên cơ sở đó, Bộ Công an sẽ đề xuất lộ trình bỏ sổ hộ khẩu, bỏ sổ tạm trú. Việc bỏ sổ hộ khẩu là chủ trương, nhưng phải có lộ trình và không thể bỏ công tác quản lý cư trú, quản lý dân cư.

Vì vậy, thông tin bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân từ ngày 30/10/2017 là không chính xác. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân vẫn còn nguyên giá trị sử dụng như hiện nay.

Võ Hoàng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thong-tin-bo-ho-khau-ngay-la-khong-chinh-xac-63830.html