Thông tin cá nhân trong chip điện tử có thể bị lộ khi mất căn cước công dân không?

Căn cước công dân mới có gắn chip điện tử lưu trữ thông tin và nhận dạng sinh trắc học của mỗi cá nhân. Một số người lo lắng những thông tin này có thể bị đánh cắp nếu làm mất căn cước công dân?

 (ảnh minh họa: báo Lao động)

(ảnh minh họa: báo Lao động)

Hiện công an các tỉnh, thành phố trên cả nước đang tiến hành cấp thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chip cho nhân dân. Đặc biệt có 10 tỉnh, thành được tập trung nguồn lực, phấn đấu đạt mục tiêu có 50% số dân cư trú ở 10 tỉnh này được cấp CCCD trước ngày 30/4/2021 và 50 triệu thẻ CCCD được cấp trước 1/7/2021. 10 tỉnh trên bao gồm Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ.

Về khả năng người dùng bị mất thông tin, Bộ Công an khẳng định ngay khi triển khai đề án sản xuất CCCD gắn chip, Bộ đã xây dựng phương án bảo mật thông tin lưu trữ trên chip. Con chip điện tử được thiết kế để chống làm giả và chống cài đặt trái phép, vì thế nếu CCCD bị mất (hoặc bị trộm) thì kẻ xấu cũng khó có thể đọc được thông tin lưu trữ trên chip, cũng như khó làm giả CCCD.

Việc tích hợp các thông tin cá nhân, đặc điểm sinh trắc học, nhận dạng vào trong chip điện tử sẽ xác định chính xác chủ sở hữu. Chỉ có chủ sở hữu mới có thể sử dụng được CCCD này. Nhờ dung lượng lưu trữ lớn mà thẻ còn có thể tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như chữ ký số, mật khẩu dùng 1 lần, bảo mật sinh trắc học... có thể sử dụng cho các dịch vụ công cộng và tư nhân.

“Chip điện tử có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học như dấu vân tay, cho phép xác thực đảm bảo chính xác con người. Qua đó, thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn bảo mật, nhất là trong các giao dịch tài chính”, Bộ Công an cho biết.

Bộ Công an cũng khẳng định chip điện tử gắn trên CCCD không có chức năng định vị, theo dõi vị trí của người dùng nên người dùng không phải lo lắng về bí mật riêng tư. Chip điện tử lưu trữ thông tin cá nhân giúp người dùng có thể nhanh chóng thực hiện các giao dịch hành chính công một cách thuận tiện, nâng cao hiệu quả của Chính phủ số. Việc lưu trữ thông tin trên chip điện tử tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Viện Khoa học Công nghệ thuộc Bộ Công an sẽ là nơi giám sát việc thiết kế, sản xuất CCCD gắn chip theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Như vậy, người dùng không nên quá lo lắng về việc có thể bị mất thông tin, đặc biệt là dữ liệu sinh trắc học, vì theo khẳng định của Bộ Công an thì chip điện tử là loại được thiết kế để chống làm giả và chống cài đặt trái phép.

Những tỉnh đang cấp căn cước công dân gắn chip

Đăng Khoa

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/thong-tin-ca-nhan-trong-chip-dien-tu-co-the-bi-lo-khi-mat-can-cuoc-cong-dan-khong-post144772.html