Thông tin chính thức về lễ viếng NSND Trần Hạnh

Lễ viếng của NSND Trần Hạnh diễn ra vào 9h30 ngày 6/3 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Theo chia sẻ của con gái NSND Trần Hạnh, lễ viếng cố nghệ sĩ diễn ra 9h30 ngày 6/3 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang vào 10h45 phút và hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ Văn Điển cùng ngày.

"Bố kính yêu của chúng con, vậy là giờ chúng con đã xa bố thật rồi. Bố đi gặp mẹ nhé! Chúng con hiểu có sinh thì có tử, cánh cửa này đóng để cánh cửa khác mở. Bố hãy yên lòng về với Phật. Chúng con nguyện gìn giữ truyền thống gia đình, Bố Mẹ mãi mãi trong tim chúng con. Nhờ nhân duyên của Tam Bảo, chúng con xin cầu nguyện Bố được tái sinh về cõi lành gặp Phật pháp tu học. Chúng con yêu bố", con gái NSND Trần Hạnh bày tỏ.

Bức ảnh gia đình được con gái NSND Trần Hạnh chia sẻ

Bức ảnh gia đình được con gái NSND Trần Hạnh chia sẻ

Sự ra đi của nghệ sĩ Trần Hạnh ở tuổi 92 khiến nhiều nghệ sĩ tiếc thương. Phần lớn các nghệ sĩ hoạt động sân khấu ở các nhà hát kịch, đoàn nghệ thuật và đoàn phim đều gọi ông là "bố" và xem ông như một "người bố" lớn. Họ luôn dành cho ông rất nhiều sự kính trọng, quý mến và yêu thương. Nhiều người cũng xem ông như một nhân cách lớn, đáng để học hỏi.

Được biết, NSND Trung Hiếu – Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, tập thể Nhà hát và gia đình sẽ cùng chung tay tổ chức đám tang cho NSND Trần Hạnh. Hiện, các nghệ sĩ của Nhà hát đang soạn thảo điếu văn.

Nghệ sĩ Trần Hạnh sinh năm 1929 tại Hà Nội. Ông là nghệ sĩ sân khấu và diễn viên gạo cội của nền điện ảnh Việt Nam. Ông nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú do nhà nước trao tặng năm 1994. Sau hơn 20 năm, cho tới ngày 29/8/2019, ông chính thức được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Ông đã có được những vai diễn xuất sắc trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội với nhiều giải vàng, bạc ở các liên hoan sân khấu toàn quốc. Thời hoàng kim của ông là cuối những năm 70, đầu 80 của thế kỷ trước, khi vào vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ "Lam Sơn tụ nghĩa" (huy chương vàng Liên hoan Kịch toàn quốc), đảm nhận một vai chính trong vở "Tiền tuyến gọi" hay trong "Âm mưu và tình yêu" được dựng bởi đạo diễn Nguyễn Đình Nghi.

Ông về hưu rời Nhà hát Kịch Hà Nội năm 1989. Sau này ông được công chúng biết đến nhiều qua các vai diễn trong phim truyền hình như: ông bí thư "Làng nổi", bố An "Truyện cổ tích tuổi 17", bố Lài "Tướng về hưu", ông Khiển "Người cầu may", ông Lâm "Chiếc bình tiền kiếp", bố Mai "Hãy tha thứ cho em".... Vai diễn truyền hình đầu tiên, và cũng là vai mà ông tâm đắc nhất là vai ông Cần trong phim "Cuốn sổ ghi đời" của đạo diễn Tất Bình.

An Khánh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/thong-tin-chinh-thuc-ve-le-vieng-nsnd-tran-hanh-20210305143756297.htm