Thông tin chưa tiết lộ vụ bắt 17 cá thể hổ trưởng thành ở Nghệ An

Trong 2 gia đình nuôi nhốt 17 cá thể hổ trái phép ở xã Đô Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), có 1 hộ người chồng là công an viên bán chuyên trách của xóm.

XEM CLIP: Lực lượng Công an Nghệ An vây bắt 2 cơ sở nuôi hổ trái phép

Trưa nay (9/8), trao đổi với PV VietNamNet, ông Phan Văn Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, vụ bắt giữ 17 cá thể hổ nuôi trái phép ở xã Đô Thành là quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng. Thời gian phối hợp giữa chính quyền địa phương và Công an tỉnh diễn ra từ nhiều tháng trước.

“Chúng tôi giao cho xã nắm bắt tình hình, phối hợp với Công an huyện tổ chức điều tra và tham mưu cho Thường trực Huyện ủy. Từ đó, lực lượng Công an huyện làm việc với Công an tỉnh lên kế hoạch.

Dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, nhiều lực lượng triển khai theo dõi suốt thời gian dài mới tổ chức vây bắt. Trong quá trình vây bắt, chia làm 2 đội Công an huyện và Công an tỉnh đi vào 2 cơ sở nuôi hổ khác nhau”, ông Tuyên kể.

Cũng theo ông Tuyên, địa điểm tổ chức vây bắt các cá thể hổ nuôi trái phép nằm trên địa bàn phức tạp. Do đó, trước khi bắt, Công an tỉnh đã làm việc với Thường trực Huyện và yêu cầu sẵn sàng hỗ trợ giữ gìn an ninh trật tự.

Một cá thể hổ trước khi bắt giữ

Một cá thể hổ trước khi bắt giữ

“Khi người dân bắt đầu nuôi thì hổ còn nhỏ như con chó. Trong quá trình nuôi giấu kín ở dưới hầm, khó phát hiện. Kể cả hàng xóm, láng giềng, đến khi Công an vây bắt, đưa hổ ra ngoài mới biết”, ông Tuyên nói.

Cũng theo ông Tuyên, quá trình vận chuyển, đưa hổ về Việt Nam đã lọt từ khâu nhập qua cửa khẩu, về tới nhà không ai biết. Nguồn thức ăn nuôi hổ thì có sẵn tại địa phương như gà, vịt hay thịt…

Trước đó, lực lượng Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ 17 cá thể hổ nuôi nhốt trái phép trong nhà 2 hộ dân ở xã Đô Thành vào sáng 4/8.

Chủ cơ sở thứ nhất là anh Nguyễn Văn Hiền (SN 1982) và chị Hồ Thị Thanh (SN 1990), ở xóm Nam Vực, nuôi 14 cá thể hổ đã trưởng thành.

Chủ cơ sở thứ hai là bà Nguyễn Thị Định (SN 1971, xóm Phú Xuân), nuôi nhốt 3 cá thể hổ. Bà Định đã xây dựng hệ thống tầng hầm nuôi hổ với diện tích 120m2. Mỗi cá thể hổ ở đây nặng từ 225kg đến 265kg.

Trước thông tin có một công an viên phụ trách xóm Phú Xuân (xã Đô Thành) là chồng của bà Nguyễn Thị Định nuôi hổ trái phép vừa bị bắt giữ, ông Tuyên đã xác minh.

“Anh Hậu là Công an bán chuyên trách, phụ trách xóm”, ông Tuyên cho hay.

Ông Luyện Xuân Huệ - Chủ tịch UBND xã Đô Thành cũng xác nhận, anh Hậu làm công an viên ở xóm Phú Xuân, là 1 trong 2 cơ sở nuôi hổ vừa bị bắt giữ.

Lực lượng chức năng ở Nghệ An cho hổ vào lồng sắt rồi vận chuyển lên ô tô

Lực lượng chức năng ở Nghệ An cho hổ vào lồng sắt rồi vận chuyển lên ô tô

“Chuyên án được vạch ra và báo cáo từ nhiều tháng trước. Khi Công an triển khai vây bắt thì chỉ có Chủ tịch và Bí thư huyện được biết. Đây là vụ án do Công an tỉnh Nghệ An chủ trì điều tra. Sau khi có kết quả sẽ căn cứ nội dung cụ thể để xử lý trách nhiệm những ai liên quan”, ông Tuyên cho hay.

Cùng ngày, lãnh đạo Khu du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (huyện Diễn Châu) cho biết, sức khỏe 9 cá thể hổ Công an tỉnh Nghệ An gửi nuôi vẫn đang bình thường.

Quốc Huy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/thong-tin-chua-tiet-lo-vu-bat-17-ca-the-ho-truong-thanh-o-nghe-an-764272.html