Thông tin mới được hé lộ về vụ phóng thử tên lửa liên lục địa của Trung Quốc

Ngày 25/9, quân đội Trung Quốc (PLA) đã phóng một tên lửa liên lục địa huấn luyện vào vùng biển Thái Bình Dương. Tân Hoa xã không đưa tin về chủng loại và các địa điểm liên quan; nhưng dần dà một số chi tiết cụ thể đã được hé lộ.

Tên lửa được cho là Dongfeng-41A được phóng từ đảo Hải Nam ra khu vực biển gần Hawaii (Ảnh: Singtao)

Tên lửa được cho là Dongfeng-41A được phóng từ đảo Hải Nam ra khu vực biển gần Hawaii (Ảnh: Singtao)

“Dongfeng-41A” được phóng từ đảo Hải Nam ra gần Hawaii

Tuy Trung Quốc không công bố mẫu tên lửa đã được phóng thử, gây nhiều phỏng đoán, nhưng một chuyên gia quân sự suy đoán đây là phiên bản "Dongfeng-41A" cải tiến của mẫu tên lửa chiến lược tầm xa mạnh nhất Trung Quốc "Dongfeng-41".

Tên lửa được cho là đã được phóng từ một xe phóng di động trên đảo Hải Nam. Nó đã bay gần 12.000 km, đi qua vùng trời phía bắc Philippines và Guam, một căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương. Điểm đầu đạn giả rơi xuống là khu vực ở Thái Bình Dương nằm giữa Hawaii của Mỹ và Australia, cách Hawaii khoảng 2.000 km.

 Sơ đồ đường bay của tên lửa do OSINTer vẽ trên cơ sở thu thập các tin tình báo (Ảnh: Singtao)

Sơ đồ đường bay của tên lửa do OSINTer vẽ trên cơ sở thu thập các tin tình báo (Ảnh: Singtao)

OSINTer, một công cụ thu thập thông tin tình báo nguồn mở, đã nghiên cứu các cảnh báo không phận mở để suy luận và vẽ ra đường bay của tên lửa mà PLA phóng sáng 25/9, cho thấy tên lửa này đã bay tổng cộng 11.591,17 km qua eo biển Bashi và không phận Guam, rồi đáp xuống vùng biển phía đông Polynesia ở Châu Đại Dương. Khi đó, tàu khảo sát hàng không và đại dương "Yuanwang 5" (Viễn Vọng-5) của Trung Quốc đang ở gần điểm rơi, khoảng cách giữa điểm rơi của tên lửa và "Yuanyang 5" chỉ vài km, cho thấy điểm rơi của tên lửa là rất chính xác so với tính toán.

Ngoài ra, còn có một biên đội tàu hải quân Trung Quốc ở gần điểm tên lửa đáp xuống, được cho là đội hình biên đội tàu sân bay "Liêu Ninh" của PLA mới tiến vào Tây Thái Bình Dương. Biên đội tàu này còn bao gồm một tàu khu trục tên lửa dẫn đường cỡ vạn tấn Type 055, một tàu tiếp tế hậu cần tổng hợp và ba tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 052D.

 Tên lửa được phóng là phiên bản cải tiến của mẫu Dongfeng-41 (Ảnh: Xinhua).

Tên lửa được phóng là phiên bản cải tiến của mẫu Dongfeng-41 (Ảnh: Xinhua).

Mặc dù quân đội Trung Quốc không công bố mẫu tên lửa cụ thể nhưng nhà bình luận quân sự Hong Kong Lương Quốc Lương (Leung Kwok-leung) nói với trang web Singtao rằng tên lửa được phóng từ một xe phóng di động, mặc dù phần thân chính thức của xe phóng đã được cố tình che đi khi những bức ảnh được tung ra nhưng có thể thấy đây là một vụ "phóng không được hỗ trợ", tức là không cần đến sự hỗ trợ của một trận địa phóng cố định.

Mặc dù không cần đến các thiết bị hỗ trợ của trận địa, nhưng làn khói dày đặc của vụ phóng cho thấy đây là một "vụ phóng nhiệt", và một lượng lớn mảnh vỡ văng ra cho thấy đây là vụ phóng từ container dạng kín. "Phóng nóng" và "phóng lạnh" đều là những phương pháp phóng tên lửa hiện đại, nhưng "phóng nóng" tương đối đáng tin cậy và mang tính cơ động mạnh hơn.

 Hình ảnh vụ phóng do tài khoản weibo chính thức của PLA công bố.

Hình ảnh vụ phóng do tài khoản weibo chính thức của PLA công bố.

Chuyên gia Lương Quốc Lương cho biết, tên lửa được phóng lần này chắc chắn là phiên bản cải tiến của loại "Dongfeng-41" đã được đồn đại trong nhiều năm, cụ thể là loại "Dongfeng-41A". Được biết, tầm bắn của tên lửa đã được tăng lên 15.000 km, tốc độ bay tối đa của nó đạt mức đáng kinh ngạc 30.000 km/h (Mach 25) và có thể bắn trúng bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới. Nếu được phóng từ các khu vực nội địa của Trung Quốc, nó có thể bay tới Moscow sau 12 phút, tới London sau 16 phút và tới New York sau 21 phút.

Nhiều loại tên lửa liên lục địa hiện đang được trang bị trong quân đội Trung Quốc, bao gồm tên lửa dùng nhiên liệu lỏng "Dongfeng-5B/C" và "Dongfeng-31" và "Dongfeng-41" phóng từ xe phóng di động. Tầm bắn tối đa của "Dongfeng-5B/C" là 15.000 km; tầm bắn tối đa của "Dongfeng-31" là 12.000 km và tầm bắn tối đa của "Dongfeng-41" là 14.000 km. Ngoài ra còn có các mẫu "Julang-2" được hoán cải từ "Dongfeng-31" và "Julang-3" được hoán cải từ "Dongfeng-41" được phóng từ tàu ngầm.

 Căn cứ khói bụi và những mảnh vỡ văng ra, các chuyên gia phỏng đoán tên lửa được phóng từ container kín (Ảnh: Singtao).

Căn cứ khói bụi và những mảnh vỡ văng ra, các chuyên gia phỏng đoán tên lửa được phóng từ container kín (Ảnh: Singtao).

Nhận định của các chuyên gia quốc tế

Ankit Panda, chuyên gia an ninh tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, nói với AFP rằng các cuộc thử nghiệm như vậy của Trung Quốc thường được tiến hành trong vùng trời nước họ, vì vậy cuộc thử nghiệm này là bất thường và là lần đầu tiên sau 44 năm, nhằm cho thấy "sự tiến bộ của Trung Quốc về hiện đại hóa hạt nhân đã mang lại những yêu cầu mới cho việc thử nghiệm".

Drew Thompson, thành viên cao cấp tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, đã viết trên nền tảng truyền thông xã hội "Vụ phóng này là một thông điệp mạnh mẽ nhằm đe dọa mọi người".

Alexander Neill, nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Diễn đàn Thái Bình Dương ở Hawaii và là chuyên gia phân tích an ninh ở Singapore, nói với Reuters rằng mặc dù chi tiết về vụ thử tên lửa chưa được xác nhận nhưng vụ thử phù hợp với mô hình đồng thời “tiếp xúc và cảnh báo” của Trung Quốc. Ông nói Trung Quốc cần phải thể hiện "mọi thứ vẫn bình thường" ở cấp quân sự cao nhất trước những vụ bê bối tham nhũng xảy ra gần đây trong Lực lượng Tên lửa.

 Phiên bản phóng từ tàu ngầm của Dongfeng41 mang tên Julang-2 (Ảnh: Singtao).

Phiên bản phóng từ tàu ngầm của Dongfeng41 mang tên Julang-2 (Ảnh: Singtao).

Reuters cũng dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc hiếm khi phóng tên lửa tầm xa ra biển mà thiên về tiến hành các cuộc thử nghiệm không báo trước ở các vùng biên viễn như Nội Mông.

Mặc dù Trung Quốc trong nhiều năm qua tuyên bố áp dụng chính sách "không sử dụng đầu tiên" vũ khí hạt nhân, nhưng các nhà phân tích cho rằng PLA đang triển khai bộ ba vũ khí có thể phóng từ đất liền, dưới biển và trên không để bắt kịp các cường quốc hạt nhân khác.

Trong báo cáo thường niên mới nhất, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) xếp Trung Quốc là nước sở hữu đầu đạn hạt nhân lớn thứ ba thế giới, sau Nga và Mỹ.

Lầu Năm Góc năm 2023 ước tính Trung Quốc đã có hơn 500 đầu đạn hạt nhân đang hoạt động trong kho vũ khí hạt nhân của mình, khoảng 350 trong số đó là tên lửa đạn đạo liên lục địa và có thể có hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030. Lầu Năm Góc cho biết trong một báo cáo rằng PLA đang xây dựng hàng trăm hầm chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa trên bộ.

Theo Singtao, Deutsche Welle

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/thong-tin-moi-duoc-he-lo-ve-vu-phong-thu-ten-lua-lien-luc-dia-cua-trung-quoc-post178605.html