Thông tin mới nhất liên quan vụ chìm tàu trên sông Thạch Hãn
Ngày 28/10, lực lượng tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Quảng Trị vẫn đang nỗ lực tìm kiếm người mất tích trong vụ chìm tàu trên sông Thạch Hãn, đoạn chảy qua xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị.
UBND tỉnh này yêu cầu Sở GTVT tỉnh báo cáo, giải trình quá trình đoàn thuộc sở thực hiện nhiệm vụ công tác và gặp nạn; đề nghị Công an tỉnh điều tra xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Lực lượng TKCN triển khai tìm kiếm người mất tích trên sông Thạch Hãn.
Theo ghi nhận của PV Báo CAND, đoạn từ đáy đập tràn công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn (xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị) về tới khu vực hạ du thuộc xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong dài hơn 10km, được hàng trăm cán bộ, chiến sĩ “người nhái” thuộc các đơn vị Công an, Bộ đội biên phòng và ngư dân thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, cùng hàng trăm tàu thuyền, thiết bị chuyên dụng giúp TKCN, tích cực tìm kiếm người mất tích từ gần 3 ngày nay. Tuy nhiên, vào đêm và sáng 28/10, ở thượng nguồn sông Thạch Hãn mưa lớn, nước sông dâng cao trở lại và chảy rất xiết, khiến công tác TKCN gặp rất nhiều khó khăn.
Trực tiếp chỉ đạo việc tìm kiếm hai bên bờ sông, Đại tá Lê Phương Nam, Phó Giám đốc Công an Quảng Trị cho biết hiện do nước sông đang rất sâu và chảy xiết nên không thể tìm kiếm khu vực giữa lòng sông. Hơn nữa, theo phân tích và nhận định từ tình hình thực tế, khả năng cao người mất tích đã bị dòng nước cuốn trôi xa về hạ lưu; hoặc cuốn trôi, mắc lại ở điểm nào đó bên bờ sông; hoặc ở điểm nước sâu và xoáy do có vật cản xung quanh, vì vậy lực lượng đang tập trung tìm kiếm ở những điểm này.
“Bên cạnh bơm căng đập cao su nằm trên tràn thủy lợi Nam Thạch Hãn nhằm hạn chế tối đa dòng chảy, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho công tác TKCN ở điểm đáy tràn và khu vực hạ du, các lực lượng sử dụng các loại lưới kết bằng dây gấc và dù lớn, giăng chắn ngang dòng sông tại một số điểm nhằm đề phòng trường hợp người mất tích tiếp tục bị nước lớn cuốn trôi xa xuống phía dưới”, Đại tá Lê Phương Nam cho biết thêm.
Như Báo CAND đã thông tin, khoảng 9h sáng 26/10, đoàn 8 người gồm 4 cán bộ Sở GTVT tỉnh Quảng Trị và 4 cán bộ, nhân viên Công ty TNHH MTV khai thác cát, sỏi Nguyên Hà (Quảng Trị) đi công tác bằng tàu hút cát, sỏi trên sông Thạch Hãn của doanh nghiệp tư nhân này nhưng chẳng may, tàu bị chết máy trôi, mắc kẹt ở thân đập tràn thủy lợi Nam Thạch Hãn.
Hậu quả, một người bị mất tích là ông Hoàng Đức Việt (SN 1974), Giám đốc công ty trên, 7 người bị mắc kẹt nhiều giờ đồng hồ giữa dòng nước chảy xiết, trong đó có 4 cán bộ Sở GTVT tỉnh Quảng Trị và 3 lái tàu do ông Việt thuê.
Nhận được tin báo, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị và Đại tá Lê Phương Nam, Phó giám đốc Công an tỉnh đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo công tác cứu nạn và TKCN người mất tích. Đến 14h30 cùng ngày, tất cả 7 người bị mắc kẹt nói trên đã được các lực lượng cứu nạn cứu thành công, đưa vào bờ an toàn; riêng ông Việt đến nay vẫn chưa tìm thấy.
Điều đáng nói trong sự việc này, cả 8 người đi trên tàu hút cát, sỏi kể trên đều không mặc áo phao cứu sinh. Sau thông tin phản ánh của Báo CAND, ông Trần Hữu Hùng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị thừa nhận rằng, đây là một thiếu sót của đoàn, gồm cả lãnh đạo và cán bộ đơn vị rất đáng trách; sự việc xảy ra là rất buồn.
Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh này, cũng là người dẫn đầu đoàn công tác gặp nạn cho biết nguyên nhân không ai mặc áo phao là do chủ quan việc kiểm tra cách bờ sông chỉ chừng 30m(?). “Sáng hôm xảy ra tai nạn, chúng tôi đi kiểm tra 2 bến thủy nội địa tạm thời của 2 doanh nghiệp khai thác cát, sỏi trên sông Thạch Hãn nhằm có cơ sở cấp lại giấy phép hoạt động cho họ, do giấy phép này đã hết hạn trước đó. Trong quá trình công tác, lúc đầu đoàn chỉ kiểm tra trên bờ nhưng vì phát hiện bến sông có sự xói lở và bồi lấp do mưa lụt gây ra, nên đoàn quyết định kiểm tra thực tế kỹ càng. Lúc này, ông Việt đề nghị đi bằng tàu khai thác cát, sỏi của doanh nghiệp. Do chúng tôi chủ quan gần bờ nên đã để xảy ra sự việc rất buồn”, ông Sơn trần tình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết, sau sự việc, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Giám đốc Sở GTVT tỉnh chấn chỉnh đội ngũ cán bộ công chức khi đi làm nhiệm vụ phải tuân thủ các quy định về bảo hộ lao động cũng như phòng tránh thiên tai.
Đặc biệt, trong quá trình đi lại bằng phương tiện đường thủy phải chấp hành nghiêm các quy định của luật đường thủy nội địa cũng như các quy định khác nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của cán bộ công chức cũng như người dân. Đối với sự việc đáng tiếc kể trên, UBND tỉnh đã đề nghị Công an tỉnh xác minh, làm rõ nhằm xử lý các sai phạm liên quan theo quy định của pháp luật.