Thông tin mới nhất về vụ bò sữa tại Lâm Đồng bị chết do tiêm vắc xin

Trong số 9.000 con bò sữa tiêm vắc xin viêm da nổi cục tại Lâm Đồng, số lượng bị mắc bệnh sau khi tiêm chiếm hơn 50%, trong đó, đã có 209 con bò sữa bị chết.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho hay, chiều 7/8, Bộ nhận được thông tin của Cục Thú y về việc bò sữa bị chết sau khi bị tiêm vắc xin viêm da nổi cục. Ngay sau đó, Bộ đã liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng để nắm tình hình cũng như họp với Cục Thú y để có những giải pháp cơ bản.

Ông Võ Văn Bây (thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) lo lắng khi cả đàn bò sốt và bỏ ăn. Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN

Ông Võ Văn Bây (thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) lo lắng khi cả đàn bò sốt và bỏ ăn. Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN

Ngày 10/8, Bộ đã đi khảo sát thực địa và họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh Lâm Đồng, Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco - đơn vị tiêm vắc xin, các chuyên gia, đơn vị thú y và đơn vị dịch vụ thú y trên địa bàn để nắm tình hình.

Cùng với đó, đoàn công tác của Cục Thú y đã xuống tận nơi phối hợp với lực lượng Thú y vùng 6, Trung tâm Chuẩn đoán quản lý thuốc, khảo kiểm nghiệm và dịch tễ trực tiếp lấy mẫu để giải trình từng gen, đến ngày 11/8 đã cơ bản có kết quả.

Theo đó, Lâm Đồng có hai huyện nuôi bò sữa với lượng hơn 25.000 con, số lượng tiêm vắc xin viêm da nổi cục là xấp xỉ 9.000 con, số lượng bò sữa bị bệnh sau khi tiêm là khoảng 4.900 con. Đến ngày 11/8, số lượng con bò sữa bị chết là 209 con.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Thú y có giải pháp cơ bản và đến ngày 10/8, sau khi rà soát, chuẩn bị xong, nghe các bên báo cáo đã chốt lại được phác đồ điều trị sát với từng bò bệnh và trong ngày 11/8 có kết quả xét nghiệm giải trình tự gene để kết luận nguyên nhân.

“Như vậy, chúng ta có những giải pháp mang tính chung nhất, sát nhất; đồng thời xác định nguyên nhân và khi nguyên nhân đã rõ, nếu như phác đồ điều trị chưa sát, chưa chặt chẽ, tiếp tục điều chỉnh để có kết quả tích cực hơn” - ông Phùng Đức Tiến cho hay.

Về phác đồ hiện nay đối với tình hình trên, theo ông Phùng Đức Tiến, vấn đề an toàn sinh học là việc đầu tiên phải làm trong phòng, chống dịch bệnh, vì độc lực của vi rút, đường lây truyền của bệnh dịch rất phức tạp.

Bên cạnh đó, cho phân loại các đàn bò ở các mức: Nhẹ, đã nhiễm bệnh, bị nặng đi kèm với phác đồ điều trị.

Bước tiếp theo là xử lý xác chết, nếu không đúng quy trình, không đúng địa điểm thì sẽ ảnh hưởng nguồn nước ngầm, ảnh hưởng đến lây truyền trong tự nhiên. Bộ cũng đã phối hợp với các đơn vị chỉ đạo và thống nhất rất cao xử lý về việc tiêu hủy.

“Trở lại câu hỏi nguyên nhân của việc bò sữa chết có phải do vắc xin hay không? Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định có sự ảnh hưởng”, ông Phùng Đức Tiến chia sẻ và cho biết, với những con bò tiêm đợt đầu (ngày 17/7), tình hình đã giảm và đợt sau (2/8), đến ngày 11/8 là ngày thứ chín, bò bị bệnh vẫn đang xảy ra.

Tất cả đều cùng tiêm một lô vắc xin. Vắc xin này đã tiêm tại rất nhiều tỉnh nhưng chủ yếu trên đàn bò vàng. Với đàn bò vàng có sức đề kháng tốt, không xảy ra chuyện gì và đều có đáp ứng miễn dịch cao. Tuy nhiên, số bò tiêm gần 9.000 con lần này là bò sữa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ yêu cầu Navetco báo cáo kỹ lại tình hình với việc tiêm vắc xin trên đàn bò sữa. Đồng thời, sẽ chỉ đạo rà soát lại tất cả theo hệ thống, từ nghiên cứu, đánh giá, sản xuất và đối tượng tiêm để đảm bảo sát thực tiễn và đúng với đối tượng, đúng lứa tuổi hơn để có hiệu quả cao hơn.

Bò là một tài sản cũng khá lớn đối với mỗi nông hộ. Với thiệt hại như vừa qua, ông Phùng Đức Tiến cho biết, trước mắt phải tập trung toàn bộ lực lượng, thuốc, vật tư hóa chất để chống dịch. Sau khi thống kê toàn bộ vật tư, hóa chất, thuốc của tỉnh, của Cục Thú y, các doanh nghiệp hỗ trợ và nhu cầu tại cơ sở, số lượng còn thiếu bao nhiêu Công ty Navetco phải chịu trách nhiệm để cung cấp. Khi phân tích nguyên nhân, đánh giá, phải hết sức khách quan và phải rõ trách nhiệm của các bên.

Trường hợp nào phải đền bù, trường hợp nào phải hỗ trợ sẽ rất rõ và trách nhiệm các bên. Bộ sẽ chỉ đạo triệt để việc này khi xác định rõ nguyên nhân”, ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc với các địa phương có bò bị tiêu chảy diễn ra chiều 11/8, ông Hoàng Sỹ Bích - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng - thông tin, năm nay, chỉ có 1 gói thầu vắc xin viêm da nổi cục trên trâu bò (VDNC) qua mạng, chỉ có 1 nhà thầu nộp hồ sơ là liên danh nhà thầu Navetco - Amavet - IVRD - Vetvaco - Cenpharco tham dự và trúng thầu.

Tổng lượng cấp phát vắc xin VDNC trong 7 tháng đầu năm 2024 là 9.126 liều, loại vắc xin Navet - LpVac của Công ty cổ phần thuốc Thú y Trung ương Navetco sản xuất. Đến ngày 2/8, các huyện đã thực hiện tiêm phòng VDNC cho đàn bò sữa được 9.126 con (chiếm 37,3% tổng đàn bò sữa của tỉnh).

Ông Phạm Phi Long - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng - cho biết, đây là lần đầu tiên vắc xin này được tiêm trên đàn bò sữa tại Lâm Đồng. Các quy trình bảo quản, tiêm vắc xin cho bò đã được rà soát lại. Bên cạnh đó, Chi cục cũng đề nghị kiểm nghiệm vắc xin ở đơn vị thứ 3 để mang tính khách quan.

Ông Nguyễn Thái Học - quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng - nhấn mạnh, quan trọng nhất là phải có phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân nuôi bò sữa đang bị thiệt hại nặng nề. Đồng thời, yêu cầu xem lại quy trình đấu thầu vắc xin VDNC qua mạng để đề xuất kiến nghị cho phù hợp vì liên quan đến thuốc vắc xin. Quá trình giao nhận, bảo quản vắc xin có bảo đảm. Cần phải làm rõ hiện nay có một số bò phục hồi sau điều trị nhưng lại tái bệnh thì vì lý do gì? Cần nhìn nhận thực tế nguyên nhân tác động chính, trực tiếp dẫn đến bò bệnh, chết là do quá trình sử dụng và tiêm vắc xin VDNC cho bò.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thong-tin-moi-nhat-ve-vu-bo-sua-tai-lam-dong-bi-chet-do-tiem-vac-xin-338520.html