Thông tin mới vụ lăng mộ vua Lê Túc Tông ở Thanh Hóa bị xâm hại
Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa có văn bản đề nghị tăng cường bảo vệ các khu lăng một vua chúa sau sự việc lăng một vua Lê Túc Tông bị xâm hại
Ngày 8-5, tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã có báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa việc lăng mộ vua Lăng mộ vua Lê Túc Tông thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh bị xâm hại, đồng thời đưa ra các kiến nghị trong công tác quản lý, bảo vệ di tích trên địa bàn.

Lăng mộ vua Lê Túc Tông tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa
Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa, ngay khi nhận được thông tin về việc lăng mộ vua Lê Túc Tông bị xâm hại, sở đã chủ động phối hợp với các phòng, ban chức năng của UBND các huyện: Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Công an tỉnh Thanh Hóa kiểm tra hiện trường, thu giữ dụng cụ, xác minh cứ liệu liên quan, lập biên bản và bàn giao tang vật để phục vụ công tác điều tra.
Báo cáo cũng cho biết, hiện nay, trên địa bàn một số tỉnh, TP đã và đang có hiện tượng một số nhóm đối tượng có hành vi xâm hại, đào trộm mộ để tìm kiếm di vật, cổ vật (như Phát hiện dấu hiệu xâm phạm lăng mộ Chúa Nguyễn Phúc Khoát, thôn La Khê Trẹm, phường Long Hồ, quận Phú Xuân, TP Huế ngày 5-1-2025).
Trước tình hình xuất hiện nhóm người có hoạt động phức tạp, lợi dụng việc thăm quan, nghiên cứu khoa học, học tập trong lĩnh vực di sản văn hóa để nhằm mục đích khảo sát, thực hiện hành vi đào bới, xâm hại lăng mộ các nhân vật lịch sử, di chỉ khảo cổ học, tìm kiếm di vật, cổ vật, Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các khu, điểm du lịch; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi trộm cắp, đào bới, trục vớt, buôn bán, trao đổi trái phép di vật, cổ vật trên địa bàn.

Hai người nước ngoài bị bắt để làm rõ hành vi xâm hại lăng mộ vua Lê Túc Tông. Ảnh: Công an Thanh Hóa
Tiếp tục chỉ đạo Công an tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan điều tra, làm rõ vụ việc, ngăn chặn hiện tượng, hành vi xâm hại, tự ý đào bới, tìm kiếm di vật, cổ vật tại các lăng mộ vua Lê thuộc khu Di tích lịch sử Lam Kinh (trong đó có lăng mộ vua Lê Túc Tông) nói riêng; các khu lăng mộ Chúa Trịnh, chúa Nguyễn, các nhân vật lịch sử của các triều đại phong kiến và các di chỉ khảo cổ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung; xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, vào lúc 21 giờ 30 phút ngày 3-5, Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản Thanh Hóa phát hiện dấu hiệu xâm hại lăng mộ vua Lê Túc Tông ở Làng đội 1 Nông trường, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc), nên đã báo cáo cơ quan chức năng, công an vào cuộc điều tra.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 4-5, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ 2 người có quốc tịch Trung Quốc gồm: Shen Jiangyang (SN 1982; ngụ huyện Hợp Phố, TP Bắc Hải, tỉnh Quảng Tây) và Deng Zhiji (SN 1984; ngụ thị trấn Tây Hương, TP Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây) là những người đã xâm hại lăng mộ vua Lê Túc Tông, tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Dụng cụ dò tìm cổ vật được công an thu giữ. Ảnh: Công an Thanh Hóa
Tại cơ quan công an, qua đấu tranh khai thác, bước đầu 2 người Trung Quốc khai nhận ngày 28-4 đã nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam với mục đích đi tìm cổ vật ở các khu mộ cổ của vua chúa và mộ của người giàu có để trộm cắp tài sản là những đồ vật được chôn cùng trong mộ.
Công an tỉnh Thanh Hóa đã di lý 2 người Trung Quốc về địa phương để thực nghiệm hiện trường việc xâm hại lăng mộ vua Lê Túc Tông, đồng thời đã ra quyết định tạm giữ hình sự 2 người này để điều tra về hành vi "Xâm phạm mồ mả".
Theo sử sách, Thanh Hóa là quê hương của 44 đời vua khác nhau, bao gồm: Nhà Tiền Lê với 2 vị, nhà Hồ với 2 vị, nhà Hậu Lê với 27 vị, nhà Nguyễn với 13 vị. Ngoài ra, Thanh Hóa cũng là nơi phát tích của 2 dòng chúa Nguyễn và chúa Trịnh. Hiện, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang thờ rất nhiều lăng mộ vua Lê, chúa Trịnh và chúa Nguyễn.