Thông tin tiếp bài 'Nỗi lòng của đội viên 'Đề án 500 trí thức trẻ'': Chính phủ yêu cầu tiếp nhận vào làm công chức cấp xã
Chính phủ yêu cầu tiếp nhận đội viên Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (gọi tắt là Đề án 500 trí thức trẻ)-những trí thức trẻ từng tình nguyện về các xã khó khăn công tác vào làm công chức cấp xã từ ngày 1/7/2025.

5/11 đội viên Đề án 500 trí thức trẻ đang công tác tại các địa phương thuộc tỉnh Quảng Bình cũ.
Ngày 30/6/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 170/2025/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Nghị định này mở ra cơ hội cho các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ đang công tác tại địa phương trở thành công chức cấp xã.
Cụ thể, tại điểm h, Điều 13, Mục 4, Chương II của Nghị định số 170/2025/NĐ-CP quy định rõ đối tượng tiếp nhận vào làm công chức: Đội viên Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 đang ký hợp đồng lao động làm việc tại xã (trước ngày 1/7/2025) vào làm việc tại xã (kể từ 1/7/2025).
Nghị định số 170/2025/NĐ-CP cũng quy định: Người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định tiếp nhận đối với các trường hợp theo quy định, trong đó có trường hợp các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ.
Tại tỉnh Quảng Bình cũ, trước đây có 15 đội viên Đề án 500 trí thức trẻ. Trong số đó, chỉ mới bố trí được 3 đội viên làm việc lâu dài, 1 người đã xin nghỉ việc. Còn 11 đội viên Đề án 500 trí thức trẻ chưa được tiếp nhận chính thức vào biên chế công chức, viên chức và vẫn đang hợp đồng theo Đề án 500 trí thức trẻ, dù đã sát thời hạn hoàn thành việc bố trí tuyển dụng theo Nghị quyết 136/NQ-CP của Chính phủ trước ngày 31/12/2025. Các đội viên này từng được bố trí về công tác tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Minh Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy (cũ).
Từ ngày 1/7/2025, khi vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại tỉnh Quảng Trị mới, các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ này vẫn tiếp tục làm việc tại các xã, phường theo diện hợp đồng đề án. Tuy nhiên, họ vẫn đang chờ quyết định chính thức từ cơ quan có thẩm quyền để được trở thành công chức đúng nghĩa sau hơn một thập kỷ cống hiến.
Được biết trước đó, ngày 27/6/2025, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Trị (cũ) đã có động thái mới, khi điều động, bố trí bà Bùi Thị H. (là đội viên Đề án 500 trí thức trẻ, Công chức Văn phòng-Thống kê, UBND xã A Ngo cũ) làm công chức Văn phòng Đảng ủy xã La Lay. Đây được xem là tín hiệu tích cực trong việc quan tâm thực hiện chính sách tuyển dụng đối với đội viên Đề án 500 trí thức trẻ vào bộ máy chính quyền cấp xã mới.
Trước đó, Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình (cũ) đã có nhiều bài phản ánh, hơn 10 năm trước, Quảng Bình có 15 đội viên được lựa chọn tham gia Đề án 500 trí thức trẻ-một chương trình trọng điểm đưa trí thức trẻ về hỗ trợ phát triển các xã vùng sâu, vùng xa và xã đặc biệt khó khăn. Họ đảm nhiệm nhiều vị trí như kế toán, tư pháp, địa chính, văn hóa-xã hội... Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ công tác, phần lớn trong số họ vẫn chưa được tuyển dụng chính thức, đứng trước nguy cơ mất việc khi các xã, huyện bị sáp nhập, biên chế ngày càng siết chặt.
Ngày 27/5/2025, UBND tỉnh Quảng Bình (cũ) đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ, báo cáo tình hình bố trí, sử dụng đội viên Đề án 500 trí thức trẻ và đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển dụng. Trong đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung thêm biên chế sau khi hoàn tất việc sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, để tuyển dụng các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ vào biên chế.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Bình (cũ), trong quá trình công tác, các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ luôn thể hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong lĩnh vực được phân công; tích cực chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền xây dựng và triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải cách hành chính, xây dựng nông thôn mới...