Thông tin về đơn của ông Nguyễn Đức Thịnh

Ông Nguyễn Đức Thịnh (quê quán: Xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) gửi đơn đề nghị công nhận bố của ông là liệt sĩ.

Theo ông Thịnh, bố của ông là Nguyễn Văn Thành, tham gia kháng chiến chống Pháp, bị thương và mất tại Quân y tỉnh Thái Nguyên; gia đình đã nhận được giấy báo tử và Bằng Tổ quốc ghi công (năm 1954). Sau đó, cuối năm 1955, cơ quan cải cách ruộng đất đến thu lại Bằng Tổ quốc ghi công, nói là đổi nhưng không thấy có bằng mới. Ông Thịnh cho biết, hiện nay gia đình chỉ còn lưu giữ được bản phô tô Bảng vàng Danh dự, cấp năm 1970 (có ghi bố ông là liệt sĩ), còn bản gốc đã bị thất lạc.

Vì hồ sơ gửi kèm đơn đến tòa soạn của ông Nguyễn Đức Thịnh có công văn của Cục Chính sách (năm 2016) đề nghị Bộ CHQS tỉnh Nam Định chỉ đạo và phối hợp cơ quan liên quan thẩm định Bảng vàng Danh dự như bản phô tô gia đình đang có (bản gốc mới có giá trị pháp lý, nếu đủ điều kiện, căn cứ theo Thông tư số 202/2013/TT-BQP của Bộ Quốc phòng, hướng dẫn gia đình, địa phương lập hồ sơ đề nghị báo tử xác nhận liệt sĩ theo quy định) nhưng không thấy có kết quả thẩm định. Vì vậy, tòa soạn đã làm công văn đề nghị Bộ CHQS tỉnh Nam Định hồi âm. Ngày 10-4-2020, Bộ CHQS tỉnh Nam Định có công văn gửi tòa soạn cho biết: 1. Gia đình ông Thịnh không có bản gốc Bảng vàng Danh dự; 2. Danh sách liệt sĩ do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Nam Định quản lý có tên liệt sĩ Nguyễn Văn Thành đã được cấp Bằng Tổ quốc ghi công và thân nhân đã được hưởng chế độ trợ cấp liệt sĩ là 300kg thóc theo Quyết định 3071 (có trích lục danh sách kèm theo); 3. Trong nội dung báo cáo và biên bản làm việc của UBND xã Nghĩa Sơn với gia đình ông Thịnh ngày 13-10-2017 thống nhất đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy báo tử và cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho ông Nguyễn Văn Thành theo khoản 3, Điều 13 Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30-7-2014 của Bộ LĐ-TB&XH.

Như vậy, Bộ CHQS tỉnh Nam Định cho biết, theo báo cáo thì bố ông Nguyễn Đức Thịnh có căn cứ để được cấp Bằng Tổ quốc ghi công vì thân nhân đã được giải quyết chế độ liệt sĩ và trách nhiệm đề nghị cấp thuộc ngành LĐ-TB&XH, theo khoản 3, Điều 13 Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH. Cụ thể, sở LĐ-TB&XH-nơi đã thực hiện chế độ ưu đãi lập danh sách chuyển UBND cấp xã-nơi thân nhân liệt sĩ đã được giải quyết chế độ; UBND cấp xã niêm yết công khai lấy ý kiến nhân dân trong thời gian tối thiểu là 45 ngày và lập biên bản kết quả niêm yết công khai; đối với các trường hợp không có ý kiến khiếu nại, tố cáo của nhân dân thì Sở LĐ-TB&XH-nơi thực hiện chế độ ưu đãi đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy báo tử và lập danh sách, trình UBND tỉnh, UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ LĐ-TB&XH (qua Cục Người có công), Bộ LĐ-TB&XH thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công.

Nhận được hồi âm của Bộ CHQS tỉnh Nam Định, tòa soạn đã phô tô gửi ông Nguyễn Đức Thịnh một bản. Thế nhưng không rõ ngành LĐ-TB&XH chưa triển khai hay quá trình niêm yết công khai, lấy ý kiến nhân dân có gì vướng mắc, không đủ điều kiện, hay do ông Nguyễn Đức Thịnh chưa hiểu là bố mình có căn cứ để được cấp Bằng Tổ quốc ghi công và trách nhiệm thuộc ngành LĐ-TB&XH nên vẫn viết đơn: “Các cơ quan chức năng chiếu cố giúp đỡ cho gia đình tôi, khi bố mất, tôi mới biết đi, em tôi còn đang phải bế, mẹ góa bụa, cuộc sống khó khăn, Bảng vàng Danh dự để đâu không rõ…”. Đơn của ông cũng không có số điện thoại để tòa soạn tiện liên lạc.

Trường hợp đơn thư của ông, tòa soạn tiếp tục làm công văn chuyển Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định xem xét, giải quyết.

KIM DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/theo-dau-don-thu/thong-tin-ve-don-cua-ong-nguyen-duc-thinh-617159