Thông tin về ngôi mộ cổ tại ấp Vĩnh Thạnh A, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu

Tại ấp Vĩnh Thạnh A, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu có một ngôi mộ cổ, xây dựng bằng vật liệu đá ong, kích thước rộng ngang 4m, dài sâu 3,8m, bao xung quanh là tường đá ong khép kín. Hiện trạng mộ đã có nhiều biến đổi, xuống cấp qua thời gian, người dân đã vun đất cát tạo thành nấm mộ, làm bệ thờ.

Gần đây, có một số thông tin và đồn đoán của một số người dân trong khu vực cho rằng đây là mộ của “công chúa Neang Chanh” hay mộ công chúa/quận chúa triều Nguyễn (thời vua Gia Long - Nguyễn Ánh). Để làm rõ thông tin trên, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với địa phương và các cơ quan, đơn vị chức năng nghiên cứu, tìm hiểu về nguồn gốc ngôi mộ cổ này. Đặc biệt, ngày 2/1/2024, Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cùng chính quyền địa phương tiến hành khảo sát mộ cổ.

Chủ nhân ngôi mộ hiện chưa thể xác định vì không có bia mộ ghi tên tuổi người nằm dưới mộ. Những đồn đoán, truyền thuyết của nhân dân địa phương vùng đất Mỹ Thanh về chủ nhân ngôi mộ là “mộ công chúa/quận chúa” triều Nguyễn là không có cơ sở khoa học để khẳng định.

Những cứ liệu lịch sử, những bằng chứng khảo cổ về vùng đất, về phong tục tập quán, văn hóa liên quan, cùng với kiến trúc của ngôi mộ cho thấy:

(1) Dựa vào chất liệu, niên đại xây dựng thì mộ cổ tại ấp Vĩnh Thạnh A, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng là ngôi mộ cổ của người Việt được xây dựng bằng đá ong vào nửa sau thế kỷ 19. Trong khi vua Gia Long đã hoàn thành việc quy tập toàn bộ những người trong hoàng gia qua đời ở nhiều nơi về Huế vào đầu thế kỷ 19 (tháng 10/1808), không thể để lại mộ của công chúa/quận chúa tại Nam Bộ như đồn đoán, thuyền thuyết.

(2) Dựa vào tục lệ hỏa táng của người Khmer Nam Bộ có thể khẳng định ngôi mộ đá ong tại ấp Vĩnh Thạnh A, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng không thể là mộ của “công chúa Neang Chanh” người Khmer như đồn đoán, thuyền thuyết.

Từ những đánh giá khoa học về nguồn gốc ngôi mộ, mong rằng các cơ quan chức năng và người dân cần tăng cường công tác bảo vệ di tích để ngôi mộ giữ nguyên hiện trạng như vốn có, góp phần lưu giữ, bổ sung tư liệu cho công tác bảo tồn trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, người dân cần nhận định đúng về chủ nhân ngôi mộ, tránh việc tuyên truyền không có cơ sở khoa học hay lợi dụng những yếu tố tâm linh sai lệch, gây ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY SÓC TRĂNG

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/thong-tin-ve-ngoi-mo-co-tai-ap-vinh-thanh-a-xa-vinh-hai-thi-xa-vinh-chau-74017.html