Thông tư 01-04 sửa đổi chưa được ban hành, GV cả nước mong ngóng tin từ Bộ GD
Giáo viên đã quá thiệt thòi, bất công vì hưởng lương, hạng theo chùm Thông tư 20-23/TTLT-BNV-BGDĐT một thời gian quá dài.
Ngày 02/02/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư số: 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập có hiệu lực từ 20/3/2021.
Tuy nhiên, do xuất hiện nhiều bất cập nên dù chùm Thông tư có hiệu lực hơn 1,5 năm nhưng nhiều địa phương vẫn không thể bổ nhiệm, xếp lương mới, nhiều nơi vẫn để giáo viên hưởng lương theo chùm Thông tư 20-23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT đã hết hiệu lực.
Sau đó, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ ngày 20/5/2022, đồng thời lấy ý kiến nhân dân từ ngày 24/5/2022 đến ngày 20/7/2022.
Mong Bộ Giáo dục ban hành Thông tư xếp lương giáo viên “đúng hẹn”
Chùm Thông tư 01-04/2021 triển khai hơn 1,5 năm nhưng giáo viên vẫn chưa được bổ nhiệm, xếp lương theo chùm Thông tư trên khiến giáo viên thiệt thòi.
Khi vừa hết thời hạn lấy ý kiến Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021 ngày 20/7/2022 đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nêu trong thời gian sớm nhất sẽ ban hành Thông tư sửa đổi và tiến hành bổ nhiệm và xếp lương giáo viên các cấp.
Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng “chốt” thời gian ban hành Thông tư sửa đổi việc bổ nhiệm xếp lương giáo viên trong tháng 11.
Giáo viên đã quá thiệt thòi trong thời gian qua, hàng vạn giáo viên có bằng đại học hưởng lương trung cấp, đại học đã hàng chục năm qua rất mong sớm được bổ nhiệm xếp lương mới đúng trình độ của mình.
Bộ Giáo dục dự kiến tháng 11 sẽ ban hành Thông tư sửa đổi lương giáo viên nhưng hiện nay đã là cuối tháng 11, giáo viên rất mong Thông tư sửa đổi sớm được ban hành.
Sau khi ban hành, việc triển khai bổ nhiệm xếp lương giáo viên cần phải có một thời gian để hướng dẫn, phê duyệt cấp trên,…nên thời gian để công bố quyết định bổ nhiệm lương mới, giáo viên phải tiếp tục chờ đợi thêm một thời gian, người viết cho rằng trước năm 2022 khó có thể bổ nhiệm, xếp lương mới.
Giáo viên đã quá thiệt thòi, bất công vì hưởng lương, hạng theo chùm Thông tư 20-23/TTLT-BNV-BGDĐT một thời gian quá dài, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành chùm Thông tư mới và nhanh chóng có hướng dẫn triển khai xếp lương mới cho giáo viên.
Giáo viên mong đợi gì ở Thông tư sửa đổi bổ sung chùm Thông tư 01-04?
Những thay đổi ở dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư về bỏ chia hạng đạo đức nhà giáo, chỉ còn một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, bỏ yêu cầu các minh chứng khi chuyển xếp từ hạng cũ sang hạng mới,…được nhà giáo cả nước đồng tình, cám ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lắng nghe, tiếp thu.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt, được nhà giáo cả nước mong chờ nhất là bổ nhiệm lương mới phải công bằng, khoa học, không còn bất công, không còn tình trạng giáo viên giỏi được bổ nhiệm ở hạng thấp, lương thấp,…thì ở dự thảo Thông tư sửa đổi chùm Thông tư 01-04/2021 chưa được làm rõ.
Tại dự thảo, dự kiến nếu đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng theo quy định tại Thông tư này thì được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng mới như sau:
Đối với giáo viên mầm non: Giáo viên hạng IV cũ (hệ số lương 1,86-4,06), hạng III cũ (hệ số lương 2,1-4,89) được bổ nhiệm hạng III mới (hệ số lương 2,1-4,89); giáo viên hạng II cũ được bổ nhiệm hạng II mới cùng hệ số lương 2,34-4,98.
Đối với giáo viên tiểu học: Giáo viên hạng IV cũ (hệ số lương 1,86-4,06), hạng III cũ (hệ số lương 2,1-4,89) được bổ nhiệm hạng III mới (hệ số lương 2,34-4,98); giáo viên hạng II cũ (hệ số lương 2,34-4,98) được bổ nhiệm hạng II mới (hệ số lương 4,0-6,38).
Đối với giáo viên trung học cơ sở: Giáo viên hạng III cũ (hệ số lương 2,1-4,89) được bổ nhiệm hạng III mới (hệ số lương 2,34-4,98); giáo viên hạng II cũ (hệ số lương 2,34-4,98) được bổ nhiệm hạng II mới (hệ số lương 4,0-6,38); giáo viên hạng I cũ (hệ số lương 4,0-6,38) được bổ nhiệm hạng I mới (hệ số lương 4,4-6,78).
Thực tế, việc dự kiến bổ nhiệm xếp hạng theo dự thảo trên không cần tiêu chí gì chỉ cần đủ thời gian giữ hạng, đủ chuẩn trình độ sẽ đơn giản cho quá trình bổ nhiệm, xếp lương giáo viên.
Nhưng, nó lại không phù hợp với việc ban hành một Thông tư xếp lương mang tính tầm cỡ lớn, ảnh hưởng hàng triệu giáo viên cả nước vì việc bổ nhiệm như vậy có thể mang tính cào bằng, chưa ghi nhận sự nổ lực cố gắng của giáo viên, không tránh được tình trạng bất công trong bổ nhiệm, xếp lương giáo viên.
Bản chất của việc xếp hạng của giáo viên là phải công bằng, khoa học, bám theo vị trí việc làm, giáo viên giỏi, làm nhiều, hiệu quả thì xếp ở hạng cao, lương cao.
Thay đổi lương là cấp thiết nhưng phải công bằng, thời gian qua cả chùm Thông tư 20-23/2015 và 01-04/2021 đều vướng việc bổ nhiệm xếp lương bất công nên cần sửa đổi.
Nếu sửa đổi, bổ sung mà vẫn còn tình trạng bất công, giáo viên giỏi ở hạng thấp, lương thấp thì không phù hợp.
Chính việc giáo viên giỏi, kể cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được xếp lương ở hạng thấp là nguyên nhân gây bất mãn, chán nản,…dẫn đến chất lượng làm việc không cao.
Do đó, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa sớm ban hành Thông tư sửa đổi bổ nhiệm, xếp lương giáo viên nhưng khi ban hành phải khoa học, không còn bất công, giáo viên giỏi, làm việc hiệu quả cao phải ở hạng cao, thu nhập cao hơn.
Người viết cho rằng, dịp này mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu bổ sung quy định, giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn ở hạng nào được bổ nhiệm ở hạng đó, việc bổ nhiệm xếp lương thực hiện theo Thông tư 02/2007/TT- BNV.