Thông tư 03 mở đường cho việc giải cứu Vietnam Airlines

Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành triển khai chính sách cho vay hỗ trợ trả lương cho người lao động do bị ngừng việc, gián đoạn sản xuất.

Ngày 21-6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động NH sáu tháng đầu năm 2021.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định nguồn vốn đang được tập trung cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Ảnh: TL

Ngân hàng Nhà nước khẳng định nguồn vốn đang được tập trung cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Ảnh: TL

Có thể mở rộng tín dụng

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết trong sáu tháng đầu năm nay, cơ quan này tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Qua đó tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Hiện thanh khoản của các tổ chức tín dụng hết sức dồi dào. Thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

“Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm và cho vay tháng 4 vừa qua giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12-2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3%-6%/năm” - ông Tú thông tin.

Với các giải pháp điều hành đồng bộ, lãnh đạo NHNN khẳng định đến ngày 15-6 vừa qua, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020 (trong khi cùng kỳ năm 2020 tăng 2,26%). “Tôi tin rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% vào cuối năm nay sẽ đạt được. Thậm chí nếu thuận lợi, có thể mở rộng tín dụng cao hơn con số 12%” - phó thống đốc nói.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), thông tin thêm: Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Trong đó có 3/5 lĩnh vực ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực, gồm xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng chung của toàn nền kinh tế.

Trong khi đó, NHNN kiểm soát dòng vốn chảy vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT... “Trong sáu tháng đầu năm nay, 3/4 lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro ghi nhận tăng trưởng, riêng tín dụng BOT, BT giảm 1,65%” - ông Tuấn Anh cho hay.

Không để doanh nghiệp khó khăn, đổ vỡ

Lãnh đạo NHNN thông tin: Để tiếp tục hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2021 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020). Thông tư này quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh. “Quan điểm chung của Chính phủ là duy trì, không để doanh nghiệp khó khăn, đổ vỡ” - Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Cụ thể, đối với chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không Việt Nam (VNA), đến nay có ba NH gồm SeABank, Maritime Bank và SHB có văn bản cam kết tài trợ cho VNA vay với tổng số tiền là 4.000 tỉ đồng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN. Các NH và VNA đang tích cực thực hiện các thủ tục, đàm phán thống nhất ký kết hợp đồng tín dụng để sớm giải ngân cho vay cuối tháng 6 hoặc tháng 7.

Như vậy, hãng hàng không này có thể sẽ được giải cứu. Bởi theo Bộ KH&ĐT, Vietnam Airlines có thể lỗ đến 10.000 tỉ đồng trong nửa đầu năm. Hiện hãng hàng không này đang bên bờ vực phá sản khi nợ phải trả quá hạn đã lên tới 6.240 tỉ đồng.

Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ví dụ, tính đến cuối tháng 5 vừa qua đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 258.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 337.000 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 677.000 khách hàng với dư nợ gần 1,28 triệu tỉ đồng.

Lãnh đạo NHNN khẳng định từ nay đến cuối năm sẽ tập trung một số nội dung trọng điểm như: Đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phục hồi sản xuất, kinh doanh; tiếp tục phối hợp với bộ, ngành liên quan đề xuất, triển khai chính sách cho vay hỗ trợ trả lương cho người lao động do bị ngừng việc, gián đoạn sản xuất cho ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen; tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Giá bất động sản đã có phần giảm nhiệt

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), thông tin: Trước việc giá bất động sản tăng nóng trong tháng 3 và tháng 4 tại một số địa phương, NHNN đã có các cảnh báo tới các tổ chức tín dụng. Đến thời điểm hiện tại, giá bất động sản đã có phần giảm nhiệt, nhất là sau khi một số địa phương công bố quy hoạch công khai.

Tính đến ngày 30-4, tín dụng bất động sản tăng 4,83% và ước tính đến hết tháng 6 tăng khoảng 6%. Con số này vẫn đang trong phạm vi kiểm soát chặt chẽ. “Theo thông tin mà chúng tôi nhận được, thị trường đã dần ổn định hơn nhưng chưa thể lơ là. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực rủi ro này” - ông Tuấn Anh nói.

NHNN cũng cho hay dự kiến kết thúc tháng 6, dư nợ của lĩnh vực chứng khoán chỉ chiếm 0,48% trong tổng dư nợ tín dụng. Dư nợ tín dụng chứng khoán hiện đạt khoảng 46.700 tỉ đồng, tăng khoảng 400-500 tỉ đồng so với tháng 5.

“Lĩnh vực chứng khoán cũng được dư luận quan tâm khi giá biến động mạnh thời gian qua. Do vậy, NHNN sẽ có biện pháp kiểm soát, nhất là kiểm soát việc lách luật sử dụng vốn sai mục đích” - ông Tuấn Anh cho hay.

Hoàn thiện pháp lý cho mô hình mới

NHNN cho hay thời gian tới sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ.

Trong đó, tập trung xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực NH; phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/thong-tu-03-mo-duong-cho-viec-giai-cuu-vietnam-airlines-994583.html