Thông tư 06 'trói chân' doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước lạnh lùng nói... 1 câu

Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, đã có báo cáo Bộ Tư pháp liên quan đến Thông tư 06. Theo đó, đơn vị này đang tiến hành xem xét sửa đổi.

Mới đây, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp "tuýt còi" quy định trong Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến việc phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho doanh nghiệp.

Theo phản ánh, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bất ngờ bị phía ngân hàng phong tỏa khoản vay, không được sử dụng khi góp vốn vào dự án.

Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa Thông tư 06 trong thời gian tới.

Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa Thông tư 06 trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, cho vay góp vốn, hợp tác đầu tư là hoạt động kinh tế phổ biến. Đặc biệt, trong lĩnh vực bất động sản, đây còn được xem “phao cứu sinh” cho các chủ đầu tư khi dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, chưa đủ điều kiện để đưa vào kinh doanh nên chưa được phép huy động vốn từ khách hàng theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.

Lúc này, việc nhận góp vốn từ đối tác theo phương châm “góp gạo thổi cơm chung”, đôi bên cùng có lợi nhu cầu hợp lý và chính đáng; bên nhận vốn góp phải đảm bảo sử dụng vốn theo đúng quy định của pháp luật và cam kết với bên góp vốn.

Trao đổi với PV Tiền Phong về việc trong Thông tư 06 có nội dung trái luật bị "tuýt còi" và hướng xử lý vấn đề này, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, đã có báo cáo Bộ Tư pháp liên quan đến Thông tư 06. Theo đó, đơn vị này đang tiến hành xem xét sửa đổi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản - cho rằng, hiện tình trạng “ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp đói vốn” là một trong những nghịch lý lớn nhất hiện nay.

Mặc dù Chính phủ và Thủ tướng luôn ráo riết thúc giục các bộ, ngành chung tay tháo gỡ khó khăn, loại bỏ các quy định “trói chân” doanh nghiệp, đặc biệt hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp.

"Chưa bao giờ tôi thấy Chính Phủ, Thủ tướng quan tâm đến bất động sản đến vậy. Liên tiếp các công điện của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện về vốn cho doanh nghiệp bất động sản từ giữa năm 2023 đến nay", ông Đính nói.

Theo ông Đính, sau 3 năm dịch bệnh và thời gian dài bị hạn chế tín dụng, trái phiếu, cộng đồng doanh nghiệp đang khó khăn hơn lúc nào hết, rất nhiều thậm chí đang đứng bên bờ vực.

Thế nhưng, ông Đính cho rằng, ngân hàng càng tháo gỡ lại càng gây khó cho doanh nghiệp. Theo quy định tại Thông tư 06, khách hàng vay tiền để góp vốn mà ngân hàng phải phong tỏa nguồn tiền này thì quy định này hoàn toàn chỉ có lợi cho ngân hàng (vì nguồn tiền vẫn nằm tại ngân hàng). Trong khi đó người nhận tiền thanh toán, ở đây là chủ đầu tư, lại không được sử dụng số tiền này.

“Nếu quy định phong tỏa tiền vay cho hoạt động thanh toán vì sợ bên nhận thanh toán sử dụng sai mục đích, thiếu trách nhiệm hay lừa đảo thì không hợp lý. Việc sử dụng tiền có hiệu quả là trách nhiệm của bên nhận vốn góp, hay chủ đầu tư”, ông Đính nói và cho rằng doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm cần tái cấu trúc lại chính mình để chủ động giải quyết các khó khăn.

Với vai trò doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch Tập đoàn G6 - chia sẻ: "Thực sự doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thời điểm này vẫn còn nhiều rào cản, khó khăn. Bên cạnh đó, dù lãi suất giảm nhưng chưa được như kỳ vọng của doanh nghiệp bởi thị trường vẫn đang trong thời kỳ khó khăn, doanh nghiệp chưa có nguồn thu để trả lãi trên 10%/năm cho ngân hàng".

Theo ông Quê, việc góp vốn dự án với doanh nghiệp bất động sản là việc diễn ra lâu nay. Tuy nhiên, nếu như ngân hàng cho vay, giải ngân rồi lại "phong tỏa" khoản tiền này khiến bên nhận góp vốn không rút được thì việc cho vay không còn ý nghĩa nữa. Trong khi đó, bên vay góp vốn vẫn phải trả lãi là điều vô lý.

Ngọc Mai

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thong-tu-06-troi-chan-doanh-nghiep-ngan-hang-nha-nuoc-lanh-lung-noi-1-cau-post1601497.tpo