Thông tư 29 giúp công tác quản lý dạy thêm, học thêm được thuận lợi

Ngành giáo dục ở Gia Lai, Kon Tum cho rằng Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT, công tác quản lý dạy thêm và học thêm sẽ minh bạch, công khai.

Trao đổi với PLO, Tiến sĩ Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, cho biết sau khi Thông tư 29 ban hành, sở đã có văn bản chỉ đạo đến các nhà trường tiến hành rà soát các hoạt động tổ chức dạy học cho phù hợp.

Theo TS Trung, tỉnh đã có chính sách ưu tiên ngân sách cho việc phụ đạo cho học sinh yếu và bồi dưỡng cho học sinh giỏi.

 Theo Thông tư 29, đối với bậc THCS, việc dạy thêm không cấm nhưng cần phải đăng ký theo hoạt động kinh doanh. Ảnh: LK.

Theo Thông tư 29, đối với bậc THCS, việc dạy thêm không cấm nhưng cần phải đăng ký theo hoạt động kinh doanh. Ảnh: LK.

Thời gian qua, ở địa phương không có dạy thêm trong nhà trường, chỉ có hoạt động dạy tăng cường cho học sinh có nhu cầu ôn thi học sinh giỏi, năng khiếu.

Hàng năm, việc dạy thêm và học thêm đều được sở quan tâm, tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra và kiểm tra đột xuất. Hiện nay, Thông tư 29 ra đời sẽ góp phần quản lý việc dạy thêm và học thêm được thuận lợi, công khai, đáp ứng nhu cầu người học. Điều này góp phần giữ gìn tôn nghiêm, uy tín cho đội ngũ nhà giáo, hạn chế hoạt động dạy thêm gây sức ép cho học sinh.

“Thông tư này nhận được sự đồng thuận của xã hội rất lớn, chuyển giáo dục sang một trạng thái khác mà trước đây chưa có, tiên tiến hơn. Việc dạy thêm được thực hiện theo một bước công khai, một là đăng ký kinh doanh theo hộ gia đình, hai là theo tổ chức. Do vậy, hoạt động nghề nghiệp này rất được nhiều người trông chờ, phấn khởi” - TS Trung chia sẻ.

Hiện nay, ngành giáo dục địa phương cũng cố gắng khuyến khích các đơn vị, cá nhân có năng lực mở các trung tâm nhằm đảm cho việc dạy thêm, học thêm.

Ông Trần Bá Công, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, cho biết sở đã làm tờ trình, tham mưu UBND tỉnh Gia Lai về hướng dẫn, ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Thông tư 29.

Theo ông Nguyễn Đình Thức, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Pleiku (Gia Lai), ngay sau khi có Thông tư 29, phòng đã họp lãnh đạo các trường học trên địa bàn và quán triệt cho các trường học để thực hiện đúng quy định.

 Việc dạy thêm, học thêm sẽ được công khai, minh bạch.

Việc dạy thêm, học thêm sẽ được công khai, minh bạch.

Cụ thể, đối với học sinh tiểu học thì không được dạy thêm văn hóa, bậc THCS thì không cấm dạy thêm nhưng phải thực hiện đăng ký kinh doanh và được ngành chức năng kiểm tra, cấp phép đủ điều kiện.

“Quy định giáo viên không được dạy thêm đối với học sinh của mình là hoàn toàn phù hợp, tránh tình trạng giáo viên áp đặt, phần chính khóa dạy sơ sơ, còn nội dung chính dành để dạy thêm. Thậm chí, đưa trước bài thi, bài mẫu cho học sinh mình dạy làm trước” - ông Thức nói.

Trước đây, việc dạy thêm phải đăng ký có điều kiện, còn bây giờ phải đăng ký kinh doanh và báo cáo với hiệu trưởng rõ là dạy ở đâu, dạy như thế nào để nhà trường, các cấp, các ngành chức năng kiểm tra. Hiện nay, chưa ghi nhận trường hợp giáo viên nào đăng ký dạy thêm thêm theo hoạt động kinh doanh.

Theo ông Thức, giáo viên trường công đã ăn lương nhà nước và cũng có nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi về tiền đứng lớp, tiền thâm niên… So với công viên chức, thì thu nhập hàng tháng của giáo viên hiện nay đã rất cao. Do vậy, giáo viên không có gì để tâm tư về thông tư này cả. Việc dạy thêm sẽ được minh bạch, rõ ràng hơn.

Theo thông tư trên, trách nhiệm giám sát giáo viên lén lút dạy thêm trái quy định không chỉ riêng ngành giáo dục mà cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành ở địa phương.

Các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm

Thông tư 29/2024 quy định về quản lý dạy thêm, học thêm có hiệu lực thi hành từ ngày 14-2, trong đó nêu các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm.

Cụ thể, Khoản 1, Điều 4 quy định không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Đối với các cấp học khác, khoản 2, Điều 4 quy định giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh mà giáo viên đó đang được phân công dạy theo kế hoạch giáo dục của trường.

Khoản 3, Điều 4 quy định giáo viên các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Khoản 1, Điều 5 của Thông tư về dạy thêm, học thêm trong nhà trường quy định không được thu tiền của học sinh. Việc dạy thêm, học thêm chỉ dành cho học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ I liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của trường.

LÊ KIẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thong-tu-29-giup-cong-tac-quan-ly-day-them-hoc-them-duoc-thuan-loi-post833308.html