Thông tư Quy định dạy thêm học thêm thể hiện triết lý giáo dục nhân văn
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, quy định về hoạt động dạy thêm và học thêm được coi là một bước tiến quan trọng trong việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm có dấu hiệu mất kiểm soát, đồng thời nâng cao chất lượng của hoạt động dạy thêm, học thêm.
![Thế hệ học sinh ngày nay. Ảnh: Trần VT](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_601_51482279/4d92d466e7280e765739.jpg)
Thế hệ học sinh ngày nay. Ảnh: Trần VT
Từ góc nhìn của một giáo viên trung học phổ thông, tôi cho rằng một trong những điểm nổi bật của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT là việc thể hiện rõ triết lý giáo dục nhân văn. Triết lý này được thể hiện qua nhiều quy định và nguyên tắc được đề ra trong Thông tư, nhằm đảm bảo rằng hoạt động dạy thêm, học thêm phải thực sự hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện của người học, chứ không phải chỉ đơn thuần là chạy theo thành tích hay lợi nhuận nào đó.
Nguyên tắc dạy thêm học thêm thiết thực
Thứ nhất, dạy thêm học thêm phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người học. Thông tư quy định rõ rằng việc dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi người học có nhu cầu thực sự, và phải được sự đồng ý của phụ huynh (Điều 4) - các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm.
Theo đó, "Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh, học viên có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Nhà trường, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm" - (Điều 3)
Quy định này khắc phục thực trạng ép buộc học sinh học thêm từ công khai đến bất công khai. Có giáo viên vừa nhận lớp đã nhắn tin thông báo trong nhóm lớp rằng học sinh phải học thêm môn của mình, nếu không học thêm sẽ không hiểu hết kiến thức dẫn đến điểm kém gây tâm lý hoang mang ngay từ đầu năm. Nhà trường tổ chức các lớp dạy thêm học thêm và thông báo trong phiên họp phụ huynh đầu năm, đa số phụ huynh không hề phản ứng và tất nhiên họ phải viết đơn "tự nguyện" theo yêu của nhà trường.
Có giáo viên dạy kiến thức nâng cao hoặc mở rộng kiến thức trong lớp chính khóa, khiến học sinh không theo kịp nếu không học thêm. Khi ra đề kiểm tra thì có nhiều câu hỏi khó, vượt quá khả năng của học sinh. Trong khi đó, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều lần lên tiếng rằng dạy học và kiểm tra đánh giá phải theo yêu cầu cần đạt của bộ môn.
Thứ hai, dạy thêm học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh. Thông tư yêu cầu rằng hoạt động dạy thêm, học thêm phải được thiết kế một cách khoa học, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của người học, và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.
Theo đó, "Việc dạy thêm, học thêm phải góp phần phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; không làm ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường và việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên" - (Điều 3).
Quy định này khắc phục hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm học thêm. Việc dạy trước chương trình và giải trước đề kiểm tra là vi phạm quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhưng thực trạng đó đang phổ biến cho nên rất ít có học sinh chịu đi học thêm giáo viên khác hoặc vừa đi học giáo viên trên lớp để lấy điểm vừa học giáo viên khác để hiểu bài. Điều này gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho học sinh, khiến học sinh chỉ tập trung vào việc học thuộc lòng để đối phó với các kỳ kiểm tra, thay vì hiểu kiến thức thật sự. Học sinh không có thời gian vui chơi, giải trí, phát triển các kỹ năng khác ngoài học tập.
Thứ ba, dạy thêm học thêm phải đảm bảo tính công bằng, minh bạch. Thông tư quy định rõ về các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm, cũng như các quy định về thu chi, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, nhằm đảm bảo tính công bằng cho tất cả mọi người học.
Cụ thể tại Điều 7, Thu và quản lí tiền học thêm: "Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường."
Quy định này thật sự giải quyết được tiêu cực trong dạy thêm học thêm. Giáo viên không được kinh doanh dạy thêm bên ngoài nhà trường, không được dạy học sinh của mình ngoài nhà trường thì không thể dạy trước chương trình hay giải đề kiểm tra trước.
Mẫu số 02: "Kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm; Việc thu, quản lí, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan."
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT chỉ cho phép thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy và học thêm. Các khoản thu khác như tiền cơ sở vật chất, tiền quản lý hoặc các khoản thu không liên quan sẽ không được thu. Thông tư quy định cụ thể về quy trình thu, chi và quản lý tiền học thêm. Các cơ sở giáo dục phải lập kế hoạch thu chi rõ ràng, có sự phê duyệt của cơ quan quản lý cấp trên, và thực hiện báo cáo tài chính định kỳ. Thông tư quy định rõ về quyền lợi của học sinh khi tham gia học thêm, bao gồm quyền được biết về nội dung chương trình, giáo viên và các khoản thu. Học sinh cũng có quyền từ chối tham gia học thêm nếu không có nhu cầu.
Nhiều quy định mới nhằm chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm
Thứ nhất, Thông tư quy định rõ về việc công khai thông tin về dạy thêm, học thêm. Thông tư yêu cầu các cơ sở giáo dục phải công khai các thông tin về hoạt động dạy thêm học thêm như mục tiêu, nội dung, thời gian, địa điểm, mức thu,…
Tại Điều 6. Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường: "Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau: Đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật; Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm (theo tại Phụ lục kèm theo Thông tư này)."
Quy định này giúp phụ huynh, học sinh nắm bắt đầy đủ thông tin về hoạt động dạy thêm. Điều này tạo điều kiện để mọi người giám sát, đánh giá tính phù hợp và hiệu quả của việc dạy thêm, học thêm. Nhờ có thông tin công khai, phụ huynh và học sinh có thể chủ động tìm hiểu, so sánh và lựa chọn các lớp học thêm phù hợp với nhu cầu và khả năng của mình. Việc công khai thông tin giúp người học đánh giá được chất lượng của các lớp dạy thêm, từ đó có những quyết định đúng đắn, tránh lãng phí thời gian và tiền bạc vào những lớp học không hiệu quả. Sự minh bạch trong thông tin tạo sự tin tưởng giữa phụ huynh, học sinh và các cơ sở giáo dục, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, công bằng.
Thứ hai, tăng cường trách nhiệm quản lý của các cấp quản lý giáo dục. Thông tư quy định rõ trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục trong việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, từ cấp trường đến cấp sở, cấp tỉnh.
Hoạt động dạy thêm học thêm liên quan đến nhiều đối tượng (học sinh, giáo viên, phụ huynh, cơ sở giáo dục) và diễn ra ở nhiều địa điểm khác nhau (trong và ngoài nhà trường). Do đó, cần có sự quản lý chặt chẽ và toàn diện từ các cấp quản lý giáo dục để đảm bảo hoạt động này diễn ra đúng hướng, hiệu quả và minh bạch.
Việc quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nói chung. Nó giúp đảm bảo nội dung dạy thêm phù hợp với chương trình chính khóa, tránh tình trạng dạy lệch lạc, quá tải, đồng thời giúp phát hiện và xử lý các vi phạm, tiêu cực trong hoạt động này. Trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục là bảo vệ quyền lợi của người học, đảm bảo họ được tiếp cận với các dịch vụ giáo dục chất lượng, phù hợp với nhu cầu và khả năng của mình. Việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm giúp ngăn chặn tình trạng thu phí quá cao, dạy không đúng quy định, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tâm lý của học sinh.
Tóm lại, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT thể hiện rõ triết lý giáo dục nhân văn, chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm đi vào nề nếp, chất lượng và thực sự phục vụ cho sự phát triển toàn diện của người học.