Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT đã gỡ bỏ được nhiều áp lực cho học trò và giáo viên

GDVN- Giảm bài kiểm tra, cũng đồng nghĩa là giảm đi được những áp lực cho học trò và ngay cả với giáo viên cũng vậy bởi có những thời điểm thầy cô chấm bài không xuể.

Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa được ban hành đang nhận được sự đồng thuận của đội ngũ giáo viên trên cả nước.

Bởi, từ năm học này thì số lượng bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ được giảm xuống rất nhiều, nhất là đối với bài kiểm tra định kỳ ở những môn nhiều tiết học như: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh.

Giảm bài kiểm tra, cũng đồng nghĩa là giảm đi được những áp lực cho học trò và ngay cả với giáo viên cũng vậy bởi có những thời điểm thầy cô chấm bài không xuể vì có quá nhiều bài kiểm tra cùng một lúc.

Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sẽ giảm được nhiều bài kiểm tra(Ảnh: Nguyễn Văn Khánh)

Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sẽ giảm được nhiều bài kiểm tra(Ảnh: Nguyễn Văn Khánh)

Bắt đầu từ năm học 2011-2012 đến nay, cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đã thực hiện việc đánh giá, xếp loại cho học sinh theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Gần 9 năm qua, bên cạnh những thuận lợi thì học sinh và giáo viên cũng phải đối mặt với muôn vàn áp lực về số lượng bài kiểm tra và điểm số kiểm tra của hơn 10 môn học ở 2 cấp học này.

Vào giai đoạn cuối học kỳ, có những buổi học, học sinh phải làm bài kiểm tra định kỳ, thường xuyên nhiều môn học liên tục nên áp lực học tập rất lớn, khiến cho học sinh vô cùng mệt mỏi.

Và, thầy cô giáo cũng vậy. Đối với 2 cấp học này thì giáo viên dạy theo môn nên cũng đồng thời mỗi học kỳ phải dạy nhiều lớp song song cùng nhau.

Vì thế, theo phân phối chương trình thì khi kiểm tra cũng phải diễn ra trong cùng một thời điểm. Vậy nên, số lượng bài kiểm tra nhiều vô kể.

Môn học có nhiều bài kiểm tra nhất hiện nay ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông là môn Ngữ văn bởi đây cũng là môn học có số tiết lớn nhất.

Chẳng hạn như cấp Trung học cơ sở thì theo hướng dẫn của Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi học kỳ, các lớp 6,7,8 có đến 11 cột điểm, trong đó, có đến 6 cột điểm định kỳ.

Kiến nghị sửa đổi một số điều Thông tư 58 về đánh giá, xếp loại học sinh

Lớp 9 có tới 12-13 cột điểm, trong đó có 7 bài kiểm tra định kỳ (có 4 bài 2 tiết).

Trong khi, giáo viên Trung học cơ sở thì theo định mức giảng dạy là dạy 19 tiết/ tuần nên mỗi giáo viên phải dạy từ 4-5 lớp và tất nhiên là số lượng bài kiểm tra có rất nhiều.

Chính vì thề, chỉ trừ tuần đầu của học kỳ là chưa kiểm tra còn các tuần về sau là gần như giáo viên phải chấm các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ suốt năm học.

Chẳng hạn lớp 9 có 7 bài định kỳ (từ 1 tiết trở lên) với 4 bài thường xuyên (15 phút) là 11 bài kiểm tra. Mỗi lớp có từ 40-45 học sinh thì mỗi kỳ có khoảng gần 500 bài kiểm tra/lớp.

Theo phân công bình thường ở các nhà trường hiện nay thì mỗi giáo viên dạy khoảng 2 lớp 9 và 2 lớp của 3 khối còn lại.

Như vậy, mỗi học kỳ thì giáo viên phải chấm khoảng gần 2000 bài kiểm tra, mỗi bài chỉ bình quân 2 trang giấy thì cũng đã thấy mỗi giáo viên phải chấm trên dưới 4000 trang giấy giấy kiểm tra của học trò.

Trong khi, yêu cầu chấm Văn rất kỳ công, đó là phải sửa lỗi cho học trò trên các bài kiểm tra nên chỉ việc chấm bài cũng đã là một áp lực khủng khiếp đối với thầy cô giáo.

Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT đã giải phóng cho cả thầy và trò

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT ở năm học này nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT là rất cần thiết, nhằm giảm bớt áp lực cho cả thầy và trò ở các nhà trường.

Học sinh đang có quá nhiều bài kiểm tra theo hướng dẫn của Thông tư 58

Điều chúng tôi tâm đắc nhất là tại điều 8 của Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT đã có những hướng dẫn rất cụ thể, rõ ràng.

Điều 8 đã quy định số ĐĐGtx (điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên), ĐĐGgk (điểm kiểm tra, đánh giá giữa kì) và ĐĐGck (điểm kiểm tra, đánh giá cuối kì) của một học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục (bao gồm cả chủ đề tự chọn) như sau:

a) Kiểm tra, đánh giá thường xuyên:

- Môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học: 2 ĐĐGtx;

- Môn học có từ trên 35 tiết đến 70 tiết/năm học:

3 ĐĐGtx; - Môn học có từ trên 70 tiết/năm học: 4 ĐĐGtx.

b) Kiểm tra, đánh giá định kì: Trong mỗi học kì, một môn học có 01 (một) ĐĐGgk và 01 (một) ĐĐGck;

Như vậy, kể từ năm học 2020-2021 này thì số lần kiểm tra thường xuyên và định kỳ ở từng môn học đã giảm hẳn so với trước đây.

Nhất là đối với số lượng bài kiểm tra định kỳ. Bởi vì theo hướng dẫn của Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT vừa ban hành thì tất cả các môn học chỉ có 1 bài kiểm tra ở giữa kì và 1 bài kiểm tra ở cuối kỳ.

Nếu đem so giữa môn Ngữ văn ở cấp Trung học cơ sở thì từ năm học này số bài kiểm tra định kỳ đã giảm được 4 bài (lớp 6,7,8) và 5 bài (lớp 9). Áp lực kiểm tra từ nay không còn là ám ảnh với học trò nữa.

Và, tất nhiên là thầy cô cũng không phải khổ sở ngồi tỉ mẩn chấm hàng ngàn trang giấy kiểm tra của học trò như trước đây.

Rất nhiều áp lực đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tinh giản trong đầu năm học này và có lẽ đây cũng là những tiền đề để ngành giáo dục giảm dần đi những áp lực không cần thiết cho cả thầy và trò ở các trường phổ thông.

Tài liệu tham khảo:

https://moet.gov.vn/van-ban/vanban/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1364

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-58-2011-TT-BGDDT-Quy-che-danh-gia-xep-loai-hoc-sinh-trung-hoc-co-so-133268.aspx

NGUYỄN VĂN KHÁNH

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thong-tu-so-26-2020-tt-bgddt-da-go-bo-duoc-nhieu-ap-luc-cho-hoc-tro-va-giao-vien-post212222.gd