Thông xe 2 cao tốc, Thủ tướng cảm ơn người dân nhường nhà đất cho dự án

Phát biểu tại lễ khánh thành, thông xe 2 cao tốc trọng điểm, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần vượt nắng, thắng mưa, vượt bão giá, thắng đại dịch để hoàn thành nhiệm vụ và cảm ơn người dân nhường nhà đất cho dự án.

Sáng 29/4, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với tỉnh Thanh Hóa, Bình Thuận tổ chức khánh thành và thông xe 2 tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc Lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và cắt băng khánh thành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tại điểm cầu nút giao Phan Thiết, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận).

Lễ khánh thành và thông xe 2 tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc Lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây.

Lễ khánh thành và thông xe 2 tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc Lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây.

Cao tốc Mai Sơn- Quốc Lộ 45, Phan Thiết- Dầu Giây nằm trong tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.063 km từ cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước.

Hành lang vận tải Bắc - Nam là xương sống của đất nước

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi 2 đoạn tuyến cao tốc Mai Sơn - QL 45, Phan Thiết - Dầu Giây được hoàn thành. Sự kiện càng có ý nghĩa khi diễn ra đúng dịp kỷ niệm 48 năm Ngày đất nước thống nhất.

Theo Thủ tướng, những năm qua Đảng, Nhà nước chú trọng phát triển hạ tầng giao thông cho mục tiêu phát triển đất nước. Cao tốc, cảng biển, sân bay... được mở rộng, nâng cấp, xây mới. Chính phủ dành nguồn lực lớn cho lĩnh vực này để tăng cường thông thương, tạo không gian phát triển mới, giúp hạ giá thành hàng hóa, gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần vượt nắng, thắng mưa, vượt bão giá, thắng đại dịch để hoàn thành nhiệm vụ

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần vượt nắng, thắng mưa, vượt bão giá, thắng đại dịch để hoàn thành nhiệm vụ

Thủ tướng nhấn mạnh, hành lang vận tải Bắc - Nam rất quan trọng, là xương sống của đất nước. Đến nay, đã hoàn thành và đưa vào khai thác 800km/2.063km, tức đã hoàn thành và khai thác được trên 40%.

Đối với 2 đoạn cao tốc khánh thành ngày hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đó là thành tích khi thi công trong giai đoạn cực kỳ khó khăn của dịch bệnh Covid-19, giá cả biến động.

"Nỗ lực của các cấp các ngành và sự chia sẻ, đồng lòng của nhân dân là rất lớn. Đó là bài học cho chúng ta vượt qua khó khăn trong những dự án, công trình sắp tới. Chúng ta đã vượt nắng, thắng mưa, vượt bão giá, thắng đại dịch...", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, với tinh thần khó khăn, vướng mắc ở đâu gỡ ở đó; vướng ở cấp nào gỡ ở đó, không đùn đẩy. Đã nói là phải làm, phân công cụ thể. Với tinh thần đó thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua.

"Tôi đánh giá cao sự vào cuộc của các Bộ, ngành cùng với Bộ GTVT; biểu dương địa phương chia sẻ khó khăn với Bộ GTVT và Chính phủ. Đặc biệt, biểu dương, cảm ơn bà con nhường đất nhường nhà, chia sẻ với Chính phủ và dự án", Thủ tướng nói.

Dự án hoàn thành có vai trò rất quan trọng, thúc đẩy phát triển KT-XH cả vùng

Trước đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây được khởi công vào tháng 9/2020.

Quá trình triển khai thực hiện dự án đã gặp không ít khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 bùng phát, có những giai đoạn đứt gãy chuỗi cung ứng vật liệu, thời tiết khí hậu cực đoan, khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng.

Để dự án về đích theo kế hoạch đã đề ra, Bộ GTVT đã phát động phòng trào thi đua “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật” với mục đích vừa động viên, cổ vũ, vừa là “mệnh lệnh” để các Ban QLDA, các đơn vị tư vấn, các nhà thầu nỗ lực phấn đấu.

“Hưởng ứng phong trào thi đua, các đơn vị đã tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực triển khai thi công “3 ca 4 kíp”, thi công xuyên lễ, xuyên Tết nhằm sớm hoàn thành các dự án. Đến nay, 2 dự án đã cơ bản hoàn thành và đủ điều kiện đưa vào khai thác phục vụ nhân dân”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, việc khánh thành đưa vào khai thác hai dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 53 km và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km đi qua địa phận các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai, nâng tổng số km đường cao tốc trục Bắc - Nam đưa vào khai thác lên 784 km so với giai đoạn trước năm 2020 là 458 km.

Ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhìn nhận, việc cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết đưa vào khai thác có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của cả vùng.

Cao tốc hoàn thành là cơ hội để tỉnh Bình Thuận thu hút các nhà đầu tư lớn đến với địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân. Với lợi thế có cao tốc, việc kết nối với cảng biển, sân bay và các dịch vụ logistics, theo Chủ tịch tỉnh Bình Thuận, đây là thuận lợi lớn và tin tưởng sẽ là động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Tương tự, tại Thanh Hóa, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 qua địa phận tỉnh có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và các tỉnh có tuyến đường đi qua nói riêng.

Tuyến đường cao tốc qua địa bàn tỉnh hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian từ Thanh Hóa đi Ninh Bình đến Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thông qua các nút giao liên thông, kết nối tỉnh Thanh Hóa với các Trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội trên cả nước.

Một số hình ảnh tuyến cao tốc Mai Sơn- Quốc lộ 45 trong ngày thông xe:

Nút giao Mai Sơn- TP. Tam Điệp (Ảnh: N. Huyền)

Nút giao Mai Sơn- TP. Tam Điệp (Ảnh: N. Huyền)

Hầm Thung Thi thông, đón các xe qua lại đúng dịp lễ 30/4

Hầm Thung Thi thông, đón các xe qua lại đúng dịp lễ 30/4

Nhiều phương tiện lưu thông trên đường

Nhiều phương tiện lưu thông trên đường

Tuyến đường cao tốc Mai Sơn- Quốc lộ 45 rút ngắn thời gian từ Thanh Hóa đi Ninh Bình đến Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Tuyến đường cao tốc Mai Sơn- Quốc lộ 45 rút ngắn thời gian từ Thanh Hóa đi Ninh Bình đến Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Thông xe cao tốc, rút ngắn thời gian di chuyển

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45: Dự án có 5 gói thầu xây lắp với tổng chiều dài hơn 63km, tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng từ vốn ngân sách do Ban Quản lý Dự án Thăng Long (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.

Dự án đi qua địa phận các huyện Yên Mô, Hoa Lư, TP Tam Điệp của tỉnh Ninh Bình; các huyện Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống, TP Thanh Hóa của tỉnh Thanh Hóa.

Theo thiết kế, giai đoạn phân kỳ, tuyến cao tốc được đầu tư xây dựng quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh tuyến cao tốc được đầu tư quy mô 6 làn xe, nền đường rộng 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99km (đoạn qua Bình Thuận 47km, Đồng Nai 52km) được khởi công từ tháng 9/2020 với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Đây là tuyến giao thông huyết mạch nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Dự án gồm 4 gói thầu đi qua nhiều địa phương 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận. Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có 6 làn xe, vận tốc cho phép tối thiểu 60km/h, tối đa 120km/h.

Theo Bộ GTVT, hiện nay cả 2 tuyến cao tốc trên đều chưa có trạm dừng nghỉ. Tuy nhiên, sau khi đưa vào khai thác tuyến Mai Sơn - QL45, từ Hà Nội đi Thanh Hóa sẽ rút ngắn xuống 2 giờ. Tương tự, tuyến Dầu Giây - Phan Thiết khi đưa vào khai thác, thời gian từ TP.HCM đi Phan Thiết sẽ rút ngắn còn khoảng 2 giờ.

N. Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thu-tuong-du-le-thong-xe-cao-toc-mai-son-quoc-lo-45-phan-thiet-dau-giay-2137922.html